Tiếp tục hoàn thiện pháp luật quốc gia phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quyền con người

(PLO) - Chiều 14/12, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ tổ chức Hội thảo khoa học Tuyên ngôn thế giới về quyền con người – Giá trị thời đại và ý nghĩa với Việt Nam.
PGS,TS Lê Quốc Lý phát biểu tại hội thảo.
PGS,TS Lê Quốc Lý phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Quốc Lý – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – đã nêu bật giá trị về đạo đức, chính trị và pháp lý của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 trong việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới.

Với Việt Nam, hơn 30 năm qua, cùng với công cuộc Đổi mới đất nước, công tác bảo đảm, thúc đẩy quyền con người của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Các thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong những năm qua đã tạo điều kiện vật chất, tinh thần và nguồn lực to lớn để Việt Nam bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của mọi tầng lớp nhân dân.

Thực hiện chính sách là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế quan trọng của Liên Hợp quốc về quyền con người. Đường lối, chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về quyền con người. 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ tính lịch sử, giá trị thời đại của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và ý nghĩa đối với Việt Nam, đánh giá những kết quả đã đạt được của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người và phát triển con người ở Việt Nam sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới.

Hội thảo cũng đã phân tích, làm rõ những thuận lợi và thách thức trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trên thế giới trong bối cảnh có nhiều thay đổi đang diễn ra nhanh chóng, nhất là trước tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4…; thảo luận, đề xuất phương hướng và các giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc gia phù hợp với chuẩn mực quốc tế chung về quyền con người, tăng cường đối thoại và đấu tranh nhằm góp phần tiếp tục bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và trên thế giới. 

Đọc thêm