Tiếp tục tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua văn học

(PLVN) - Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), diễn ra hôm qua (25/11), tại Hà Nội.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Đại hội.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Đại hội.

Tham dự Đại hội có gần 600 đại biểu là các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học đến từ các chi hội nhà văn trong cả nước. Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định, văn học - nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng đã có vai trò, vị trí quan trọng, đặc biệt trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, tự chủ của nước nhà. Từ khi có Đảng đến nay, vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt đó luôn được Đảng quan tâm, trân trọng và phát huy. Trong suốt hai cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, cùng đồng bào cả nước, nhiều nhà văn theo tiếng gọi non sông đã tự nguyện bước vào kháng chiến, kiến quốc. 

Đại hội Hội Nhà văn lần thứ X là đại hội chuyển giao thế hệ lãnh đạo của Hội Nhà văn Việt Nam với sự kỳ vọng vào những nhân tố mới, tạo ra cảm hứng, năng lượng mới trong công tác điều hành, sáng tạo, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn, trong nhiệm kỳ mới, Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục góp phần đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống sự suy thoái biến chất về chính trị, tư tưởng và đạo đức; trong tổng kết văn học Việt Nam nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, thúc đẩy hòa hợp dân tộc thông qua văn học, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, tiếp tục bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống, tạo dựng những giá trị nhân văn mới cho xã hội.

 Cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các nhà văn Việt Nam cũng phải mang lại những vẻ đẹp nhân văn cao cả, niềm tin cho con người vào cuộc sống, những giấc mơ đẹp đẽ cho từng thân phận; góp phần dựng xây, phát triển, bảo vệ Tổ quốc. 

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, kẻ thù lớn nhất của dân tộc trong chiến tranh là những kẻ xâm lược được xác định rõ ràng, nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong hòa bình là kẻ thù không dễ nhận diện. Đó là sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác. Nó chính là sự thoái hóa, biến chất về đạo đức trong mỗi con người. Nó ẩn náu trong đời sống thường nhật, nó có thể mang gương mặt lương thiện và đầy phép biến hình… 

“Chính vì thế, sứ mệnh, trách nhiệm của các nhà văn Việt Nam lúc này lại càng lớn lao và càng phức tạp. Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, của sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này. Người đọc Việt Nam luôn luôn mong đợi, đón chào các nhà văn với lòng quý trọng và yêu mến nhất. Văn học sẽ là một trong những nơi con người tìm đến như một điểm tựa tinh thần, niềm an ủi, nâng đỡ con người”- Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, đồng thời tin tưởng các nhà văn Việt Nam sẽ đáp ứng sự mong đợi đầy yêu thương của độc giả bằng những tác phẩm hay, kết tinh từ trí tuệ sâu sắc, tâm hồn cao thượng và trách nhiệm lớn lao của nhà văn.

Báo cáo tổng kết tại Đại hội cho thấy, 5 năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận trong việc đẩy mạnh sáng tác, có thêm nhiều tác phẩm có giá trị, cơ bản bám sát thực tế của đất nước, đẩy mạnh quảng bá các tác phẩm, giao lưu hội nhập quốc tế... Tuy nhiên, đến nay, Hội Nhà văn Việt Nam vẫn chưa xây dựng được những tác phẩm lớn về các cuộc kháng chiến vĩ đại, về những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, về cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Tính chuyên nghiệp của các tác phẩm văn học chưa cao, có ít tác phẩm đủ sức tạo thành các hiện tượng văn học…

Đại hội đề ra phương hướng phát triển văn học trong thời gian tới là: "Tiếp tục đổi mới tư duy văn học, mở rộng đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả văn học, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 11 người. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch Hội, nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương làm Phó Chủ tịch Hội.

Đọc thêm