Tìm giải pháp ngăn chặn ngư dân ra nước ngoài đánh bắt hải sản

(PLO) - Trước tình trạng ngư dân Quảng Ngãi ra nước ngoài đánh bắt hải sản, đặc biệt là hải sâm vi phạm pháp luật, Thượng tướng Lê Chiêm đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa để ngư dân hiểu và thực thi pháp luật, chấm dứt vi phạm vùng biển các nước, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân làm ăn thuận lợi trên vùng biển của Tổ quốc.
BĐBP kiểm tra an toàn hàng hải và vận động thuyền trưởng viết cam kết không vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài.
BĐBP kiểm tra an toàn hàng hải và vận động thuyền trưởng viết cam kết không vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài.

Ngày 29/6/2017, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Hội nghị chủ yếu bàn luận xoay quanh vấn đề: Biện pháp gì để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản? 

Thời gian qua, tình hình tàu thuyền và ngư dân nước ta vi phạm pháp luật trên các vùng biển diễn biến khá phức tạp, nhất là tình trạng tàu thuyền và ngư dân vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý ngày càng gia tăng, trong đó các tàu thuyền và ngư dân Quảng Ngãi, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, tài sản mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. 

Theo báo cáo của Hội nghị, trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển, trên bờ,… qua đó đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 33 vụ/39 lượt tàu cá/428 lượt ngư dân ở các xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), An Hải (Lý Sơn) xử phạt gần 1,5 tỷ đồng; phát hiện, xử lý 17 vụ/17 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, xử phạt hành chính trên 1 tỷ đồng, đồng thời, tước giấy phép khai thác thủy sản và bằng thuyền trưởng từ 3-6 tháng; xử lý 16 vụ/22 tàu cá không chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và sử dụng biển số giả. Trong đó, có nhiều tàu ra vùng biển Thái Bình Dương và vào vùng lãnh hải của các nước để khai thác hải sâm.

Chỉ ngư dân Quảng Ngãi đặc biệt là ngư dân ở các huyện Bình Sơn và Lý Sơn mới có nghề lặn biển bắt hải sâm. Theo số liệu thống kê năm 2015, huyện đảo Lý Sơn có hơn 1.700 lao động làm nghề lặn/21 ngàn dân. Trước đây, việc khai thác hải sâm không được chú trọng, do giá thành thấp, việc lặn bắt lại nguy hiểm mà thu nhập từ lặn bắt hải sâm không bằng các loại hải sản khác, nên ngư dân không mặn mà. Tuy nhiên từ cuối năm 1999 đầu năm 2000 trở đi, khi hải sâm bắt đầu có giá và lên giá “chóng mặt”, từ 100 ngàn đồng lên 500 ngàn đồng/kg loại trắng (vú trắng), từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng/kg loại đỏ (vú đỏ), nghề lặn hải sâm tạo nên một cơn sốt, lôi cuốn đông đảo ngư dân Lý Sơn tham gia. 

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, xây dựng giải pháp tuyên truyền pháp luật cho ngư dân; trong đó cần triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tàu thuyền và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, không cấp phép hoạt động cho tàu cá khi chưa lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tổ chức đàm phán với các nước lân cận có vùng biển chồng lấn để sớm phân định cụ thể, từ đó ngư dân có thể yên tâm khai thác và hợp tác khai thác trên các ngư trường này…

Ông Lê Quý Vương - Phó Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Trong thời gian qua, ngư trường ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày càng bị thu hẹp do Trung Quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát để khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông, vì vậy ngư trường đánh cá của ngư dân ngày càng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, do lợi nhuận từ việc khai thác hải sâm cao, trong khi các ngành nghề truyền thống đối mặt với tình hình ngư trường cạn kiệt, dẫn tới nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam đã sang vùng biển của các nước đánh bắt. Do đó, nên có chế tài xử phạt tàu cá vi phạm nặng hơn, có biện pháp ngăn chặn tàu cá bị xử phạt tìm cách sang tên đổi chủ”. 

Theo ông Nguyễn Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, do chế tài xử phạt chưa cao và hành vi buôn bán hải sâm không bị cấm, trong khi các nước khác đều không cho khai thác hải sâm, vì vậy, ngành thủy sản nên tham mưu đưa hải sâm vào danh mục cấm khai thác, mua bán ở Việt Nam. Việc tuyên truyền thời gian qua còn nhiều bất cập, do đó cần hướng đối tượng trực tiếp đánh bắt trên biển để tuyên truyền mới mang lại hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ đề nghị các sở, ngành và các địa phương theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục tuyên truyền PBGDPL đến ngư dân, nhất là công tác tuyên truyền tại các trạm khi xuất trạm, nhập trạm, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa để ngư dân sống và làm việc theo pháp luật. Ngoài ra, ông Thọ cũng yêu cầu lực lượng BĐBP kiểm soát chặt chẽ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tổ chức kiểm điểm trước dân các trường hợp vi phạm để chấm dứt tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thượng tướng Lê Chiêm - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, dù các cấp, các ngành và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, tuy nhiên, có nơi chưa đúng đối tượng, chưa thuyết phục, hiệu quả không cao. Thượng tướng Lê Chiêm nhấn mạnh về kỹ năng của người làm công tác tuyên truyền và biện pháp tuyên truyền pháp luật hiệu quả. Nếu chỉ đọc văn bản thì pháp luật sẽ không thấm vào được ngư dân. Về mặt quản lý thì phải gắn chíp tàu cá để quản lý hành trình, những người tiếp tay cho ngư dân như chủ nậu cũng phải bị pháp luật xem xét chứ không nên bỏ qua.

Đọc thêm