Tình báo đang... lạc hậu, EU trông chờ biên giới điện tử

(PLO) - Đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư, các cuộc tấn công khủng bố ở Paris và Brussels, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định kiểm soát tốt hơn những biến động trong khối. Trong bối cảnh đó, một liên minh về an ninh vẫn còn là điều xa vời đối với EU.
Việc kiểm soát chặt chẽ nhằm đối chiếu dữ liệu của cảnh sát các nước và của châu Âu.
Việc kiểm soát chặt chẽ nhằm đối chiếu dữ liệu của cảnh sát các nước và của châu Âu.

Thực tế, nhiều biện pháp quan trọng đã được triển khai hay khẳng định ở Brussels sau cuộc họp Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên EU ngày 20/11/2015. Chẳng hạn, việc mở rộng cơ sở dữ liệu quản lý lý lịch tư pháp châu Âu (ECRIS) đối với công dân nước ngoài, đề xuất pháp lý cho phép cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) tiến hành đối chiếu một cách có hệ thống các cơ sở dữ liệu của châu Âu, hay thậm chí soạn thảo lại quy định pháp lý về vũ khí.

Có nên kiểm soát biên giới?

Việc tự do đi lại trong khu vực Schengen là một thành tựu và việc xem xét lại đề tài này sẽ là một “bước lùi” vô ích, tốn kém và nguy hiểm. Vô ích bởi các phần tử khủng bố sẽ luôn tìm ra cách để vượt qua các biên giới trong phạm vi EU. Tốn kém vì điều đó sẽ gây ra một tác động kinh tế nghiêm trọng khi nó cản trở việc giao thương hợp pháp. Và, cuối cùng, nguy hiểm vì cái giá mang tính biểu trưng sẽ rất cao nếu thành tựu đã đạt được có thể bị xem xét lại và sớm đẩy các bên vào một cuộc bàn cãi lâu dài.

Xét dưới góc độ pháp lý, Đạo luật biên giới Schengen cấm khôi phục các hoạt động kiểm soát biên giới thường trực trong khu vực các nước tham gia Schengen. Hiện tại, Pháp đã áp dụng điều khoản bảo vệ biên giới. Pháp hoàn toàn có quyền thực hiện điều đó và vả lại điều khoản này đã tồn tại khi ký kết “các thỏa thuận Schengen” vào năm 1990.

Theo đó một nhà nước có thể tạm thời khôi phục quyền kiểm soát biên giới trong trường hợp có đe dọa đối với an ninh trong nước. Việc khôi phục quyền kiểm soát thường trực bị ngăn cản. Tuy nhiên, có thể quay lại các điều khoản của Đạo luật này với điều kiện có sự chấp thuận của các nước đối tác và Nghị viện châu Âu, đòi hỏi phải thuyết phục được các bên…

Các vụ tấn công khủng bố tại Brussels vừa qua đã cho thấy những lỗ hổng về an ninh.

Các vụ tấn công khủng bố tại Brussels vừa qua đã cho thấy những lỗ hổng về an ninh.

Đường biên giới điện tử- Ưu việt?

Bộ trưởng Nội vụ các nước EU đã quyết định đảm bảo các hoạt động kiểm soát một cách có hệ thống và có phối hợp đối với du khách các nước bên ngoài biên giới EU. Chắc chắn, Đạo luật Schengen đã có những điều khoản quy định việc kiểm tra du khách tại đồn cảnh sát ở các biên giới - dù họ là công dân châu Âu hay không phải công dân châu Âu, nhưng hoạt động kiểm soát này chỉ cho phép kiểm tra các giấy tờ tùy thân như hộ chiếu...

Chỉ người nước ngoài mới bị kiểm tra chặt chẽ nhằm đảm bảo không để khủng bố lọt lưới. Từ nay, việc kiểm soát chặt chẽ này cần được tiến hành đối với mọi hành khách ra vào khu vực Schengen, kể cả các công dân châu Âu.

Sau các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào tòa soạn Báo Charlie Hebdo và siêu thị Hypercacher ở Pháp, EU đã thiết lập các chỉ số được gọi là những nguy cơ chung, với mục tiêu là xác định tốt hơn danh tính những “chiến binh nước ngoài”, trên thực tế là những thanh niên châu Âu tham gia thánh chiến ở Trung Đông.

Mục tiêu khi đó là chỉ tập trung kiểm soát các công dân châu Âu bị đánh giá là “những đối tượng nguy hiểm”. Việc phối hợp kiểm soát các chỉ số rủi ro chung đã được giao cho cơ quan kiểm soát biên giới châu Âu (Frontex), về mặt lý thuyết, từ nay tới cuối năm 2016.

Như vậy, không chỉ công dân EU có nguy cơ gây khủng bố cao, mà tất cả du khách đều bị kiểm soát chặt chẽ, cho dù những “đối tượng có nguy cơ cao” này luôn phải chịu sự giám sát đặc biệt. Việc kiểm soát chặt chẽ nhằm đối chiếu một cách có hệ thống danh tính của mọi du khách với cơ sở dữ liệu của cảnh sát các nước và của châu Âu thông qua Hệ thống thông tin Schengen (SIS II), cơ sở dữ liệu của cơ quan cảnh sát quốc tế (Interpol), hệ thống thông tin về visa (VIS)

Dự án các đường biên giới điện tử (còn gọi là “các đường biên giới thông minh”) ngày càng nhận được sự quan tâm: Theo yêu cầu của Bộ trưởng các nước, EC một lần nữa phải đệ trình dự án về hệ thống xuất nhập cảnh nhằm xác định danh tính những người cư trú không phép trên lãnh thổ châu Âu (dự án trước được đánh giá là quá tốn kém). Dự án này đã được các Bộ trưởng của 28 nước thành viên EU rất chờ đợi.

EU còn mất nhiều thời gian để có thể thành lập được một mạng lưới an ninh chung.

EU còn mất nhiều thời gian để có thể thành lập được một mạng lưới an ninh chung.

Tình báo đang… lạc hậu

Sự hợp tác yếu kém giữa các cơ quan tình báo châu Âu hiện là vấn đề chính trong cuộc chiến chống khủng bố.

Theo báo chí châu Âu, các cơ quan tình báo vận hành theo những phương thức cũ: Các quy tắc về hỗ trợ quốc tế được thiết lập cách đây nhiều thập kỷ. Vẫn tồn tại sự cạnh tranh giữa các cơ quan này (và với các cơ quan cảnh sát) cả ở cấp quốc gia và châu Âu. Các cơ sở dữ liệu của châu Âu không phải luôn được cập nhật. Các cơ quan tình báo muốn tự do hành động, không muốn chấp nhận để EU “nhúng mũi” vào.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều u ám. Europol có một đội ngũ chuyên gia ngày càng sắc bén và niềm tin của các cơ quan cảnh sát quốc gia đối với Europol đang tăng theo thời gian. Các Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu đã hợp thức hóa dự án xây dựng một trung tâm châu Âu chống lại chủ nghĩa khủng bố trong khuôn khổ của Europol, mà đã được EC nêu lên hồi tháng 4/2015.

Được sự hỗ trợ của chuyên gia các nước, trong tương lai trung tâm này sẽ trở thành nền tảng cho phép cơ quan cảnh sát và cơ quan tình báo các nước cải thiện việc trao đổi thông tin và hợp tác hành động trong cuộc chiến chống khủng bố.

Liên minh an ninh: Còn xa vời

Theo trang mạng Stratfor, sau mỗi vụ khủng bố, Chính phủ và giới chức của Liên minh châu Âu (EU) lại kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên nhằm ngăn chặn những thảm họa tương tự xảy ra trong tương lai. Bất chấp những lời kêu gọi tăng cường hợp tác này, lợi ích quốc gia của từng quốc gia thành viên tới nay vẫn luôn thắng thế và do đó, triển vọng hội nhập của EU liên quan tới các vấn đề an ninh vẫn còn nhiều trở ngại.

Hiện EU đã có một số cấu trúc an ninh tầm khu vực; trong đó, phải kể tới văn phòng cảnh sát châu Âu (Europol) có nhiệm vụ đối phó với tội phạm tình báo, tội phạm có tổ chức quốc tế; có Frontex – lực lượng biên phòng của EU điều phối hoạt động hợp tác giữa lực lượng kiểm soát biên giới các nước nhằm đảm bảo an ninh biên giới vòng ngoài của EU.

Ngoài ra, còn có Eurojust, điều phối hoạt động điều tra và truy tố giữa các nước thành viên, nhất là với các dạng tội phạm xuyên quốc gia. Tuy nhiên, do nhiệm vụ chính của các cơ quan này chủ yếu mang tính chất hậu cần, điều phối hoạt động và nguồn lực giữa các nước thành viên, do vậy, các tổ chức trên có ít nhân viên và nguồn lực để thực thi nhiệm vụ.

EU phải đối mặt với những rào cản để có thể thành lập được một mạng lưới an ninh chung. Một là, 28 quốc gia thành viên có những ưu tiên riêng, nguồn lực và mức độ chuyên môn khác nhau trong cuộc chiến chống tội phạm quốc tế và chủ nghĩa khủng bố.

Những nước lớn như Pháp, Anh và Đức có nhiều kinh nghiệm chống khủng bố và có đủ nhân lực, vật lực để vận hành các cơ quan an ninh, tình báo đồ sộ chống khủng bố. Với các nước nhỏ hơn, có ngân sách và trình độ chuyên môn khiêm tốn hơn, đây là cả một gánh nặng, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Các vụ tấn công khủng bố tại Brussels vừa qua đã cho thấy những lỗ hổng về an ninh của Bỉ, với lực lượng mỏng khi phải giám sát lực lượng ngày càng đông những phần tử thánh chiến quay trở về từ nước ngoài.

Mối đe dọa khủng bố đang buộc các nước phải đầu tư nhiều hơn vào chi tiêu cho an ninh sau nhiều năm cắt giảm. Nhưng ngay cả những nước giàu có như Đức cũng phải đối diện với khó khăn tương tự.

Hôm 23/3, Chính phủ Đức thông báo kế hoạch tăng ngân sách an ninh nội địa lên thêm 2,1 tỷ euro cho tới năm 2020, song Phó Giám đốc Cảnh sát Liên bang Đức cảnh báo số tiền này vẫn chỉ như “muối bỏ biển”.

Cùng với những nỗi lo về ngân sách, lực lượng an ninh các nước EU còn phải hoạt động trong môi trường nơi người dân được tự do đi lại giữa các quốc gia, song các cơ quan an ninh tình báo lại không có điều kiện đó.

Vấn đề phiên dịch giữa các nước châu Âu càng thêm rối khi các nước thành viên sử dụng những hệ thống phiên âm tiếng Arập khác nhau, vốn có thể dẫn tới sơ suất trong quá trình giám sát những phần tử cực đoan.

Mặt khác, tăng cường chia sẻ thông tin tình báo là vấn đề nhạy cảm. Sự hợp tác hạn chế của châu Âu đối với các vấn đề an ninh cho thấy, dù sau 60 năm hội nhập, ở góc độ nào đó, EU vẫn chưa phải là một liên minh thực sự.

Tất cả đang cho thấy, vào thời điểm mà hoạt động khủng bố ở châu Âu càng gia tăng, thì cuộc chiến chống khủng bố ở châu Âu cũng càng trở nên gian nan.

Đọc thêm