Tinh giản biên chế: Vẫn chưa thể “loại” cán bộ không đủ năng lực

(PLVN) - Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Phát triển nhân lực hành chính nhà nước” do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, thời gian qua, việc thực hiện tinh giản biên chế chưa triệt để, chưa đánh giá được đúng thực chất; chưa đưa được những cán bộ chưa đủ năng lực ra khỏi bộ máy biên chế.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo.

Cần tăng cường kiểm soát quyền lực trong quản lý nhà nước

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, trong gần 20 năm thực hiện cải cách hành chính nhà nước, nhiều nội dung được được chú trọng như cải cách bộ máy hành chính nhà nước, cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính... Trong đó, việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị chưa đạt tỉ lệ. Chủ yếu vẫn là lấy số người nghỉ hưu, số người xin chuyển công tác để tính vào tỷ lệ tinh giản biên chế mà chưa đánh giá, phân loại để đưa được người không đủ năng lực, không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ vào diện tinh giản biên chế.

Cho rằng những bất cập trong công tác nhân sự hành chính hiện nay do nhiều nguyên nhân, GS.TS Nguyễn Ngọc Hiến, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia kiến nghị Nhà nước cần đưa ra quan điểm cụ thể về vấn đề con người. Sau đó rà soát chất lượng nguồn cung cấp nhân sự về hành chính như: công tác đào tạo, tuyển sinh... để xác định số lượng những người đã qua đào tạo chuyên ngành là bao nhiêu, từ đó có đánh giá năng lực, chuyên môn, nhằm cung cấp thông tin và xây dựng nguồn nhân lực hành chính nhà nước. 

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, đội ngũ cán bộ hành chính nhà nước có đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững hay không, phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó có nhân tố quan trọng là phát huy vai trò của hệ thống chính trị và xã hội trong phát triển đội ngũ cán bộ hành chính nhà nước.

Đề cập đến thực trạng nhân lực hành chính, cải cách hành chính nhà nước, TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương công vụ cần phải được thực hiện ở tất cả các khâu của nền hành chính quốc gia, hoạt động hành pháp, bắt đầu từ việc thi cử, tuyển chọn, đào tạo, phân công cho đến thực hiện nhiệm vụ, công vụ, đánh giá cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm, điều động, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật… Việc duy trì kỷ luật, kỷ cương phải được thực hiện ngay từ đầu của quá trình thực thi công vụ thì mới chọn được đúng người, đúng việc, đúng vị trí, đúng trình độ, năng lực. 

Cho rằng “tình trạng ngồi sai vị trí, giao sai nhiệm vụ, sai chức năng, sai thẩm tuyền… trong thực thi công vụ thì không thể bảo đảm được kỷ luật, kỷ cương công vụ”, TS Nguyễn Đình Quyền kiến nghị tăng cường kiểm soát quyền lực trong quản lý nhà nước, thông qua việc xác định rõ trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành…để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động thực thi công vụ của công chức hành chính nhà nước.

Cán bộ đông nhưng không mạnh

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc khẳng định, trong bất kỳ giai đoạn, hoàn cảnh nào, nguồn nhân lực luôn phải được coi trọng và đặt ở vị trí trọng tâm trong chương trình cải cách hành chính nhà nước.

Thực tế hiện nay, trong đội ngũ cán bộ hành chính đang có tình trạng “đông nhưng không mạnh”, vẫn duy trì chế độ hành chính tập trung quan liêu bao cấp, xin - cho là cơ bản. Theo ông Phúc, để nâng cao trình độ cán bộ, công tác đào tạo phải bài bản, đến nơi đến chốn. Đặc biệt khi tuyển dụng các vị trí lãnh đạo phải khách quan, công bằng, có sự cạnh tranh bình đẳng...

Còn GS.TS Nguyễn Ngọc Hiến cho rằng, để nâng cao chất lượng cán bộ, cần giải quyết được sự chồng chéo trong công tác nhân sự của các bộ hiện nay, nghĩa là cán bộ làm hành chính thì phải được đào tạo đúng chuyên ngành, làm việc đúng vị trí mới phát huy tác dụng.

Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài. 

Để nâng cao chất lượng và phát triển nhân lực hành chính nhà nước, cần nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Trong đó, quan trọng nhất là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ. 

Đặc biệt, để phát triển nhân lực hành chính cần phải sử dụng, trọng dụng, tôn vinh họ một cách hợp lý và đúng đắn. Cần có chế độ tiền lương và các chế độ đãi ngộ thỏa đáng, tương thích với thành tích, cống hiến của nhân lực hành chính để họ an tâm làm việc, không phải lo đến đời sống vật chất hàng ngày của họ. 

Đọc thêm