Tố cáo qua điện thoại cũng được tiếp nhận

(PLO) - Sáng 7/2, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) đã cho ý kiến về những nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Quy định cụ thể hình thức tố cáo qua điện thoại  

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về 5 vấn đề khác nhau của dự án Luật. Trong đó, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về hình thức tố cáo qua điện thoại. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cơ bản đồng tình với việc mở rộng hình thức tố cáo bằng văn bản, bao gồm bản giấy, bản fax điện thoại và thư điện tử, nhưng đề nghị nên cân nhắc việc tố cáo bằng lời nói thông qua điện thoại để đảm bảo tính khả thi và độ tin cậy vì lo ngại nhiều người có thể sử dụng hình thức này để làm cho cơ quan nhà nước nhận được thông tin không chính xác. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh dẫn chứng thực tiễn ở địa phương trong vấn nạn khai thác than trái phép cho thấy nhiều trường hợp sử dụng sim rác để “đánh trận giả”, gọi vào số điện thoại của cơ quan chức năng để lực lượng chức năng tập trung kiểm tra ở chỗ bị tố giác trong khi thai thác than trái phép lại ở chỗ khác. Do đó, ông Thanh cho rằng nếu bổ sung việc tố cáo qua điện thoại thì phải đảm bảo lưu vết, phải có bằng chứng còn lưu lại để làm căn cứ xác minh, tránh mất thời gian vì sim rác.

Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc bổ sung các hình thức tố cáo đã đảm bảo chặt chẽ, khả thi và phù hợp với thực tế hiện nay khi các phương tiện giao tiếp qua công nghệ thông tin được áp dụng phổ biến và thuận lợi. Giải thích thêm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định cho hay, việc tiếp nhận tố cáo qua điện thoại không phải cái mới mà chỉ là ghi nhận lại một hình thức đã được QH quyết định trong Luật Phòng chống tham nhũng. 

Cái mới ở đây, theo ông Định, là quy định rõ ràng về số điện thoại tiếp nhận tố cáo. Khi đã tiếp nhận qua điện thoại, cơ quan nhận tố cáo sẽ phải làm thủ tục ghi nhận tên tuổi, quê quán… như tiếp nhận tin báo trực tiếp. “Sau khi tiếp nhận, cơ quan nhận tố cáo phải xác minh, nếu rõ nhân thân, rõ vấn đề, rõ vi phạm thì mới có quyết định về việc thụ lý tố cáo. Khi đó mới gọi là tố cáo, mới phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa bên tố cáo và bên tiếp nhận tố cáo”, ông Định cho biết. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định rõ chế tài, trách nhiệm đối với những trường hợp tố cáo sai nhằm lợi dụng để vu khống, vu cáo, gây rối. 

Rút tố cáo không loại trừ trách nhiệm

Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến về thời hiệu tố cáo được quy định trong dự thảo Luật. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ nhất trí với đề xuất của Ủy ban Pháp luật về việc không quy định thời hiệu. Bởi, theo Chủ tịch QH, người tố cáo trong nhiều trường hợp không xác định được tính chất hành vi vi phạm pháp luật mà họ tố cáo thuộc vào nhóm nào. Thêm vào đó, nhiều luật chuyên ngành hiện đã quy định về thời hiệu xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, từ Luật Tổ chức cán bộ, Luật Cán bộ công chức, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự, Dân sự... Do đó, nếu quy định trong Luật Tố cáo sẽ tạo xung đột pháp luật. 

Về việc rút tố cáo, Chủ tịch QH cho rằng đây là quyền công dân. “Công dân có quyền tố cáo thì tất nhiên sẽ có quyền rút tố cáo. Nhưng khi tố cáo sẽ nảy sinh các hậu quả liên quan đến quyền, lợi ích, danh dự của người bị tố cáo; của các tổ chức, nhà nước, xã hội. Do đó, việc rút tố cáo cũng cần phải được quy định chặt chẽ”, Chủ tịch QH nói. 

Cho rằng Điều 31, 32 trong dự thảo Luật chưa được chặt chẽ để đảm bảo quyền công dân và khắc phục tình trạng lợi dụng quyền tố cáo để cố ý tố cáo sai sự thật, Chủ tịch QH đề nghị rà soát lại để đảm bảo thật chặt chẽ, vừa đảm bảo quyền công dân vừa không để công dân lạm dụng quyền này để cố ý tố cáo sai sự thật, vu khống.

“Tôi cũng thống nhất việc rút tố cáo cũng không có nghĩa là loại trừ trách nhiệm của người lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, xúc phạm tổ chức hay cá nhân. Việc rút tố cáo chỉ là căn cứ để đình chỉ giải quyết quan hệ giữa người tố cáo và người bị tố cáo chứ không loại bỏ trách nhiệm của người giải quyết tố cáo khi có căn cứ cho rằng người rút đơn tố cáo là do bị ép buộc hoặc nội dung tố cáo thể hiện rõ các tài liệu, bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo”, Chủ tịch QH nói. 

Đọc thêm