Toà nhà UBND TP HCM sẽ mở cửa cho khách tham quan

(PLO) - Sắp tới, toà nhà UBND TP HCM sẽ mở cửa cho du khách vào tham quan. Tại TP HCM còn khá nhiều công trình có tiềm năng trở thành điểm du lịch lý tưởng nhưng đến giờ vẫn chưa được khai thác hết.
Du khách nước ngoài tham quan một di tích tại TP HCM.
Du khách nước ngoài tham quan một di tích tại TP HCM.

Biến di tích lịch sử thành điểm du lịch hút khách

Mới đây, lãnh đạo UBND TP HCM đã xem xét và cho ý kiến về dự án cải tạo và cho phép mở cửa cho khách tham quan toà nhà UBND. Theo đó, khối bảo tồn nằm ở mặt tiền đường Lê Thánh Tôn là không gian trưng bày những hiện vật được lưu giữ từ Dinh xã Tây, Tòa thị chính đến trụ sở cơ quan hành chính nhà nước của TP HCM và các công trình khác. Theo kế hoạch, sẽ bố trí thời gian nhất định cho người dân và du khách vào tham quan. Như vậy, sẽ có thêm một công trình di tích lịch sử lâu đời của thành phố được đưa vào khai thác.  

Toà nhà UBND TP HCM được xây dựng từ năm 1901 và hoàn thành vào 1909. Thiết kế của toà nhà được mô phỏng kiến trúc miền Bắc nước Pháp. Thời Pháp, toà nhà có tên là Hôtel de ville hay còn gọi là Dinh xã Tây. Đến thời Việt Nam Cộng hoà, toà nhà có tên là Toà đô chánh Sài Gòn, là nơi làm việc và hội họp của Hội đồng thành phố và Thị trưởng thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn. Sau 1975, toà nhà trở thành UBND TP HCM.

Hiện nay, tại TP HCM có một số công trình lịch sử đang được khai thác du lịch rất hiệu quả, như Dinh Thống Nhất, Bến Nhà Rồng, Địa đạo Củ Chi, Bưu điện TP HCM, Nhà thờ Đức Bà... Chỉ tính riêng toà nhà Dinh Thống Nhất, mỗi ngày đã có hàng ngàn lượt du khách đến tham quan. Năm 2016, nơi này đã mở rộng thêm 2 địa điểm tham quan mới nhằm thu hút du khách. 

Nằm ở khá xa trung tâm TP HCM, nhưng do tính chất đặc biệt của mình, Địa đạo Củ Chi vẫn thu hút gần 2 triệu lượt khách tham quan. Trong những năm gần đây, địa đạo đã liên tục mở rộng các hạng mục đầu tư nhằm tăng sức hút cho di tích lịch sử này. Theo đánh giá, con số trên 1,5 triệu lượt khách tham quan hàng năm vẫn là quá ít ỏi so với tiềm năng lớn của địa đạo. Hiện nay, thành phố cũng đang có những dự án đầu tư mạnh mẽ nhằm biến địa đạo thành một điểm nhấn du lịch lịch sử của thành phố, như hiệu ứng trình diễn 3D, thực tế ảo...

Một số di tích khách của TP như Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bến Nhà Rồng... cũng đã và đang thực hiện những dự án nhằm cải tạo, nâng cấp nhằm giúp di tích hoàn thiện và đặc sắc hơn.

Còn quá nhiều di tích bị “bỏ rơi”

Tuy nhiên, nếu tính trên tổng thể, thì con số di tích lịch sử tại TP HCM được đưa vào hoạt động và khai thác hiệu quả chưa nhiều so với thực trạng. Theo thống kê, hiện có trên 170 di tích được xếp hạng trên địa bàn TP HCM, tập trung ở 3 loại hình khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và lịch sử (trong đó, có 41,86% là cơ sở tín ngưỡng, 19,25% cơ sở tôn giáo, 7,55% thuộc quyền sở hữu nhà, đất của tư nhân, 31,4% công trình, cơ quan nhà nước).

Trong số đó, chỉ có khoảng trên 30 công trình di tích hiện nay đang được du khách biết đến. Ngoài những công trình đã nêu trên còn có một số công trình có tiếng khác tại TP HCM như Lăng Ông Bà Chiểu, Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, Nhà thờ Tân Định... Và trong số 30 công trình này cũng chỉ có 1/3 là đang được khai thác đúng hướng, được đánh giá là hiệu quả cao. 

Số còn lại hầu hết là chưa khác thác được, số khác còn bỏ hoang, đang mất dần. Vài công trình khác thì bị mất đi bởi quá trình đô thị hoá. Một di tích lịch sử được đánh giá cao về mặt tinh thần, cũng như rất có tiềm năng khai thác du lịch mà nhiều người vẫn tiếc nuối đó là lò gốm Hưng Lợi ở quận 8, là một di tích khảo cổ được xếp hạng quốc gia, có tuổi đời hơn 300 năm.

Lò gốm là minh chứng cho một làng nghề truyền thống quy mô lớn từng tồn tại ở buổi sơ khai của vùng đất Sài Gòn - Gia Định. Địa danh Lò Gốm cũng đã được nhắc đến trong sách "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức. Tuy nhiên, từ năm 1997 được phát hiện cho đến khi xếp hạng di tích quốc gia rồi đến nay, lò gốm đã trở nên xuống cấp nặng nề, hoang phế... Tương tự, nhiều căn biệt thự cổ hàng trăm năm tuổi ở TP HCM mang đậm nét kiến trúc Pháp xưa như căn biệt thự cổ đường Nơ Trang Long cũng bị bỏ hoang, hư hại thậm tệ qua năm tháng. 

Cạnh đó, nhiều công trình lịch sử khác lại bị dỡ bỏ trong khi vẫn còn có khả năng sử dụng khai thác du lịch như các thuỷ đài, thương xá TAX... cũng khiến người dân bức xúc và nuối tiếc.

So với các tỉnh, thành khác trên cả nước, TP HCM không có nhiều lợi thế thiên nhiên, thắng cảnh để khai thác du lịch. Nhưng lợi thế lớn nhất của TP HCM là lượng khách đi đến hàng năm cao, nhu cầu du lịch rất cao, tuy nhiên vì chưa khai thác hết nên TP vẫn chưa có nhiều sức hút đối với du khách. Trong khi đó, một nguồn tài nguyên du lịch cực kì lớn là các di tích lịch sử lại bị bỏ hoang, để cho hư hỏng và mất dần theo thời gian.

Phải chăng, TP đang thiếu đi một sự quy hoạch tổng thể, thiếu một đề án quy mô và thực tế để có thể nhìn nhận lại tiềm năng của các di tích, tôn tạo và đưa di tích vào khai thác. Có như thế, di tích cũng không bị mai một, mà du khách sẽ biết nhiều hơn đến một Sài Gòn 300 năm với nhiều điểm nhấn lịch sử thanh lịch, cổ kính.

Đọc thêm