Tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong bão lũ

(PLO) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 11, trời tiếp tục mưa lớn tại nhiều địa phương, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất và vỡ đê. Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, quyết tâm, sau một tuần dầm mưa lũ, đến nay, bộ đội các đơn vị Quân khu 2, Quân khu 3 và Quân khu 4 không quản ngại mưa lũ, trời lạnh, quần áo ướt sũng, da tím tái vẫn hăng hái giúp dân. Trong hoàn cảnh thiên tai địch họa, một lần nữa, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” lại tiếp tục tỏa sáng. 
Tỏa sáng hình ảnh  “Bộ đội Cụ Hồ” trong bão lũ

Dù đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng cơn bão số 11 tiếp tục gây mưa trên diện rộng. Một tuần qua, nhiều địa phương vừa trải qua mưa lũ lớn, thiệt hại nặng nề, sẽ làm gia tăng rủi ro thiên tai. Trong những ngày tới, tình hình thời tiết trên địa bàn khu vực miền núi phía Bắc, các tỉnh ven biển tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét còn tiềm ẩn.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa - Cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, bão số 11 ảnh hưởng trong hoàn cảnh thiệt hại từ lũ vẫn còn nhiều người mất tích chưa được tìm thấy, ngập lụt còn chia cắt ở nhiều nơi, sạt lở còn có nguy cơ xảy ra. Hiện nay, còn nhiều điểm sạt lở cũ chưa khắc phục được. Ngoài 197 trọng điểm đê điều tại 19 tỉnh có đê, trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, đã ghi nhận xảy ra 143 sự cố đê điều.

Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn, trong đợt mưa lũ vừa qua, có 25.523 người thuộc lực lượng vũ trang (LLVT) đã tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai (trong đó có 6.962 bộ đội, 10.158 dân quân, 3.466 người thuộc lực lượng khác) và 325 phương tiện. Kết quả, di dời được 17.563 hộ, cứu được 10 người bị lũ cô lập, gia cố được hàng nghìn mét đê...

Ứng phó với cơn bão số 11, LLVT tiếp tục huy động gần 6.600 cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời chuẩn bị các công tác ứng phó với bão số 11. Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên ngày 15/10/2017 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 75.145 tàu, thuyền với 309.279 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh hoặc di chuyển vòng tránh thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. 

Công tác khắc phục hậu quả trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng xảy ra trên địa bàn các tỉnh Yên Bái, Sơn La những ngày đầu tháng 8 vừa qua vẫn còn đang chồng chất bao khó khăn, vất vả. Vậy mà, những ngày qua, người dân trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc một lần nữa lại phải hứng chịu đợt thiên tai mới mà những thiệt hại về người, tài sản không kém gì trận “đại hồng thủy” cách đây tròn hai tháng. Tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo huy động trên 4.000 người (gồm lực lượng Quân đội, Công an, dân quân tự vệ và nhân dân tại chỗ) tập trung cao nhất các biện pháp và phương án cứu hộ, cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ. Riêng lực lượng tìm kiếm người mất tích là 600 người và hàng ngàn người dân tập trung tìm kiếm người mất tích khu vực lũ ống, lũ quét và dọc theo dọc sông suối trên địa bàn các xã thuộc huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Yên.

Tại Thanh Hóa, do mực nước lên đe dọa nhiều con đê xung yếu nên những ngày qua LLVT vẫn tiếp tục đắp đê. Trên công trường đê sông Hoạt thuộc địa bàn xã Hà Châu (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo binh 368, Quân đoàn 1 vẫn hối hả vận chuyển các bao đất đá hàn khẩu chỗ lún sụt của đê. Bộ đội đều mặc áo phao đề phòng tình huống trượt chân rơi xuống nước. Từ cán bộ đến chiến sĩ ai nấy đều lấm lem bùn đất, song tinh thần làm việc rất khẩn trương để gia cố đê vững vàng trước lũ lớn. Trong đêm mưa lũ, trời lạnh do ảnh hưởng gió mùa,  mọi người đều quần áo ướt sũng, da tím tái, nhưng không ai nề hà. Việc ăn uống, ngủ nghỉ cũng khẩn trương, chỉ tranh thủ thay nhau chợp mắt ngót một giờ, còn lại để dành thời gian giúp dân chạy lũ sau đó lại hối hả vận chuyển hàng nghìn khối đất đá, xử lý 4 điểm sạt trượt thân đê, chống tràn mặt đê, góp phần bảo đảm an toàn cho người và tài sản của nhân dân xã Hà Châu.

Tại xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ gần 200 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 543 và Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Tam Nông vẫn đang tích cực giúp các hộ dân trong xã di dời khỏi vùng ngập úng. Đặc biệt, người dân khắp trong làng, ngoài xã đều truyền tai nhau hành động dũng cảm của bộ đội công binh Tiểu đoàn 17 khi vượt qua dòng nước chảy xiết trên sông Bứa, cứu được 4 người trong một gia đình sinh sống trên một bè nuôi cá đặt ở giữa sông. 

Ông Nguyễn Thế Phương (ở khu 4, xã Quang Húc) vừa được bộ đội công binh 543 cứu thoát khỏi dòng lũ dữ không kìm nén được xúc động nói: “Không có các chú bộ đội công binh thì cả gia đình tôi không được ở đây nữa rồi”. Ông Phương cho biết, khi lũ lên cao, toàn bộ khu vực bè cá lồng, đồng thời là chỗ ở của gia đình ông bị chao đảo liên hồi, hệ thống dây léo có nguy cơ bị đứt, kéo theo toàn bộ nhà ở sẽ bị cuốn trôi. Đúng lúc nguy cấp nhất, bộ đội Lữ đoàn công binh 543 đã có mặt, sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại, xuồng cao tốc nhanh chóng tiếp cận và cứu được gia đình ông thoát khỏi nguy hiểm trong niềm cảm phục của hàng nghìn người dân đứng hai bên bờ.

Đọc thêm