Toàn cảnh vụ bắt cóc máy bay tại Ai Cập

(PLO) - Tối 29/3, toàn bộ hành khách trên chiếc máy bay A320 của hãng hàng không EgyptAir bị bắt cóc trước đó cùng ngày đã về đến sân bay quốc tế Cairo.
Tên không tặc đầu hàng, ra khỏi máy bay.
Tên không tặc đầu hàng, ra khỏi máy bay.

Chiếc máy bay A320 của EgyptAir bị bắt cóc khi đang thực hiện chuyến bay số hiệu MS181 từ thành phố Alexandria tới thủ đô Cairo. Kẻ không tặc được cho là mang bom trên người đã bắt máy bay chuyển hướng tới sân bay thành phố Larnaca ở bờ biển phía Nam CH Cyprus. Đối tượng sau đó đã đầu hàng và thả toàn bộ 81 người trên máy bay, trong đó có 15 thành viên phi hành đoàn và 21 người nước ngoài.

Dọa “có bom”

Đối tượng được xác định là Seif Eldin Mustafa, 59 tuổi, người Ai Cập. Các chuyên gia an ninh khẳng định đối tượng không mang đai bom trong người như những nghi ngờ trước đó.

Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, Mustafa là người thần kinh không ổn định và đây không phải là vụ tấn công khủng bố. Theo Ngoại trưởng Cyprus Ioannis Kasoulides, đối tượng này yêu cầu được gặp vợ cũ người Cyprus. Người vợ cũ này đã được đưa đến sân bay và nói chuyện với đối tượng. Tuy nhiên, ông Kasoulides không cho biết rõ thêm về việc này.

Theo truyền hình Cyprus, máy bay chở tổng cộng 62 hành khách và phi hành đoàn. Trong số hành khách có mặt trên chiếc máy bay bị bắt cóc có 30 người Ai Cập và 25 người nước ngoài, bao gồm 8 người Mỹ, 4 người Anh, 4 người Hà Lan, 1 người Pháp, 1 người Italia, 2 người Hy Lạp và 1 người Syria, cùng 4 người khác chưa xác định được danh tính.

Cảnh sát Cyprus cho biết, tên không tặc đã liên lạc với trạm không lưu vào lúc 8 giờ 30 phút giờ địa phương (tức 12 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam), sau đó chiếc máy bay này đã được phép hạ cánh vào lúc 8 giờ 50 phút theo giờ địa phương.

Lúc đầu, kẻ bắt cóc máy bay đã dọa cho nổ quả bom mang theo. Cảnh sát đã được lệnh lùi ra xa khỏi khu vực máy bay đang đậu, các lực lượng đặc nhiệm chuyên giải cứu con tin nhanh chóng được triển khai tại sân bay.

Tuy nhiên, sau quá trình thương lượng, tên không tặc đã cho phép khoảng 30 đến 40 hành khách, trong đó đa phần là phụ nữ và trẻ em, được rời khỏi chiếc máy bay. Tên không tặc giữ lại 7 người trên máy bay, bao gồm 4 thành viên phi hành đoàn và 3 hành khách, trong số đó có 1 cơ trưởng, 1 cơ phó, 1 nữ tiếp viên, 1 nhân viên an ninh cùng 3 hành khách người nước ngoài.

Các hành khách trên chuyến bay được trả tự do.

Các hành khách trên chuyến bay được trả tự do.

Chỉ vì… muốn gặp vợ cũ!

Hãng thông tấn nhà nước Ai Cập MENA cho biết, kẻ không tặc bắt cóc máy bay là Ibrahim Samaha. Theo hãng tin trên, đối tượng này chính là hành khách ngồi ở hàng ghế K38 trên chiếc máy bay. Trong khi đó, truyền thông Cyprus cho biết, tên không tặc đã đưa ra yêu cầu được tị nạn tại Cyprus và yêu cầu được gặp người vợ cũ tại Cyprus.

Nhà chức trách Ai Cập và CH Cyprus bước đầu xác định động cơ bắt cóc chiếc máy bay của tên Ibrahim Samaha là do y bị thất tình và không liên quan đến khủng bố. Ibrahim Samaha đang làm việc trong lĩnh vực y tế và có một người vợ cũ đang sống tại Cyprus. Người phụ nữ được cho là sống ở làng Oroklini cũng được đưa đến sân bay Larnaca của Cyprus theo yêu cầu của tên không tặc.

Vụ không tặc mới nhất này đã khiến cơ quan quản lý du lịch LB Nga tiếp tục bác bỏ khả năng sớm nối lại các chuyến bay tới các điểm du lịch của Ai Cập. Phát biểu trên kênh truyền hình Russia Today, Người phát ngôn Hiệp hội Công nghiệp Du lịch Nga Irina Tyurina khẳng định, vụ bắt cóc trên chắc chắn ảnh hưởng đến kế hoạch nối lại các chuyến bay giữa hai nước, vốn đã bị tạm dừng sau vụ máy bay chở khách của Nga bị rơi tại bán đảo Sinai hồi tháng 10 năm ngoái.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga Franz Klintsevich cũng cho rằng vụ không tặc đã làm mất cơ hội đàm phán về việc mở lại các chuyến bay giữa Nga và Ai Cập.

Trong những tuần gần đây, một số quan chức Nga đã khẳng định các chuyến bay giữa Nga và Ai Cập sẽ sớm được nối lại, song nhấn mạnh rằng khả năng này hoàn toàn phụ thuộc vào việc chính quyền Ai Cập cải thiện các biện pháp an ninh tại các sân bay. Nga cũng đã đề xuất cử các chuyên gia an ninh nước này tới làm việc lâu dài tại các sân bay Ai Cập, song đề nghị này đã vấp phải một số ý kiến không tán thành từ phía Cairo, cho rằng điều này “vi phạm chủ quyền” của Ai Cập.

Lực lượng đặc nhiệm phong tỏa quanh chiếc máy bay.

Lực lượng đặc nhiệm phong tỏa quanh chiếc máy bay.

Điểm lại 10 vụ không tặc nổi tiếng

Các vụ không tặc bắt cóc máy bay chở khách đã trở nên phổ biến hơn trong những thập kỷ gần đây cùng với sự tăng trưởng chóng mặt của ngành hàng không.

Ngày 6/9/1970, các tay súng Mặt trận giải phóng nhân dân Palestine (PFLP) khống chế 4 máy bay khi đang di chuyển đến New York và London. Họ ép phi cơ hạ cánh tại cánh đồng Dawson, một sa mạc gần Zarka, Jordan. 310 hành khách được trả tự do, họ giữ lại những người Do Thái và thành viên phi hành đoàn gồm 56 người. 

PFLP dọa giết con tin và cho nổ tung các máy bay nhằm đổi lấy sự tự do của Patrick Arguello và Leila Khaled, khi đó đang bị giam ở Thụy Sĩ vì tội cướp máy bay. Sau khi đàm phán, PFLP trả tự do cho toàn bộ các con tin. Sự kiện này đã dẫn đến cuộc đụng độ quân sự giữa Jordan và Palestine. Chính vì vậy, vụ không tặc này còn được gọi là “Tháng 9 đen tối”. 

Sáu năm sau, ngày 4/7/1976, 2 tay súng của PFLP đã khống chế chuyến bay số 139 của hãng hàng không Air France trên hành trình từ Athens, Hy Lạp đến thủ đô Paris của Pháp. 246 hành khách cùng 12 thành viên phi hành đoàn được đưa đến sân bay Entebbe ở Uganda. PFLP dọa giết con tin và yêu cầu thả 40 người Palestine bị giam ở Israel cùng 13 người ở các nước khác.

Sau nỗ lực đàm phán của chính quyền Israel, họ thả 140 người. Quân đội Israel triển khai 100 biệt kích trong chiến dịch Entebbe nhằm giải cứu các con tin còn lại. Cuộc đột kích khiến 3 hành khách, một lính đặc nhiệm Israel, 45 binh lính Uganda và 7 tay súng thiệt mạng, 13 máy bay bị phá hủy. Lực lượng đột kích giải cứu thành công 106 hành khách. Một người sau đó bị ám sát khi điều trị trong bệnh viện.

Ngày 4/10/1977, chiếc Boeing 737-200 cất cánh từ Penang tới Kuala Lumpur, Malaysia bị một tên không tặc bí ẩn khống chế và ép chuyển hành trình sang Singapore. Phi cơ mất liên lạc, lao xuống đất ở Kampong Ladang khiến 93 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Ngày 23/11/1985, các tay súng thuộc tổ chức Abu Nidal khống chế chuyến bay 648 trên hành trình từ thủ đô Athens của Hy Lạp đến Cairo (Ai Cập). Nhân viên an ninh Ai Cập có mặt trên máy bay nổ súng giết một tên không tặc. Những tay súng còn lại bắn hàng chục viên đạn về phía nhân viên này khiến thân máy bay bị thủng. Phi công hạ độ cao để hành khách bên trong dễ thở hơn nhưng máy bay hết nhiên liệu buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống CH Malta.

Chính quyền Thủ tướng Maltese đã không cho phép máy bay hạ cánh, tắt đèn báo hiệu ở đường băng, cắt liên lạc không lưu với phi cơ. Các phi công đã điều khiển máy bay hạ cánh trong điều kiện tầm nhìn gần như bằng không, phi cơ hỏng nhẹ nhưng vẫn tiếp đất an toàn. Lính đặc nhiệm Ai Cập lên máy bay và một cuộc hỗn chiến diễn ra khiến 60 hành khách thiệt mạng. Chuyến bay số hiệu 648 trở thành một trong những vụ không tặc đẫm máu nhất lịch sử hàng không.

Ngày 5/9/1986, 4 thành viên tổ chức Abu Nidal khống chế chiếc Boeing 747-121 của hãng Pan Am quá cảnh tại sân bay quốc tế Jinnah ở Karachi (Pakistan) chở 360 hành khách cùng phi hành đoàn 19 người. Máy bay mất kiểm soát khi các tay súng cho nổ lựu đạn làm 20 hành khách thiệt mạng. Lực lượng đặc nhiệm Pakistan lao vào giải cứu các hành khách, làm 150 hành khách bị thương.

Tiếp viên Neerja Bhanot, 22 tuổi, dũng cảm mở cửa thoát hiểm khẩn cấp cho hành khách thoát ra ngoài, đứng che chắn loạt đạn từ kẻ khủng bố cho 3 trẻ em, sau được chính quyền Ấn Độ trao tặng Huân chương Ashok Chakra (giải thưởng cao nhất trong thời bình) vì sự hy sinh và lòng dũng cảm, được cộng đồng quốc tế vinh danh là “Anh hùng chống không tặc”.

Cuối năm 1986, chuyến bay mang số hiệu 163 của hãng hàng không Iraq Airways cất cánh từ Baghdad đến Amman, Jordan bị 4 tay súng thuộc nhóm Hồi giáo vũ trang Jihad khống chế. Một quả lựu đạn phát nổ trong khoang khiến 60 hành khách và 3 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Máy bay rơi xuống gần Arar, Saudi Arabia sau đó vỡ đôi, 43 người may mắn sống sót.

Ngày 2/10/1990, tên Jiang Xiaofeng khống chế chiếc Boeing 737-200 số hiệu 8031 của Xiamen Airlines (Trung Quốc) và ép bay đến Đài Bắc, Đài Loan để tị nạn chính trị. Phi hành đoàn không đáp ứng yêu cầu của Jiang và cố gắng hạ cánh xuống sân bay Quảng Châu nhưng do tốc độ quá nhanh nên va chạm với phi cơ Boeing 707 đậu trên đường băng rồi va chạm mạnh với chiếc Boeing 757 số hiệu 2812 của China Southern Airlines chuẩn bị cất cánh đi Thượng Hải. Vụ tai nạn khiến 128 hành khách thiệt mạng.

Ngày 24/12/1994, 4 tay súng thuộc nhóm Hồi giáo vũ trang GIA đã khống chế chiếc Airbus A300 của Air France chuẩn bị cất cánh từ sân bay Houari Boumedienne, Algeria đến Paris (Pháp) với ý định cho máy bay đâm vào tháp Eiffel. Tuy nhiên, Chính phủ Algeria không cho máy bay cất cánh khiến 3 hành khách bị sát hại. Khi hạ cánh ở thành phố Marseille (Pháp) để tiếp nhiên liệu, lực lượng đặc nhiệm GIGN của Pháp bí mật tiếp cận và hạ gục 4 tên khủng bố. Trong số 166 hành khách, có 13 người bị thương nhẹ.

Ngày 23/11/1996, 3 người đàn ông Ethiopia khống chế chiếc Boeing 767-200ER cất cánh từ Addis Ababa, Ethiopia đến Nairobi (Kenya) yêu cầu đổi hành trình sang Australia để tị nạn. Cơ trưởng Leul Abate cố gắng hạ cánh xuống sân bay Prince Said Ibrahim, Grande Comore (một hòn đảo ngoài khơi bờ biển châu Phi) nhưng không thành công. Thân máy bay vỡ khi tiếp nước và bốc cháy, 122 hành khách và 3 tên không tặc thiệt mạng, 46 người khác bị thương.

Gần đây nhất, ngày 11/9/2001, 19 tay súng thuộc tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã khống chế 4 phi cơ của các hãng hàng không Mỹ. Chúng ép 2 máy bay đâm vào tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới, một chiếc đâm vào Lầu Năm Góc, chiếc khác dự định lao vào Washington nhưng không thành công. Vụ tấn công khiến 2.996 người thiệt mạng và 6.000 người khác bị thương. Sau sự kiện 11/9, Mỹ đã phát động chiến dịch chống khủng bố toàn cầu./.

Đọc thêm