Toàn quân triển khai thực hiện Luật Quốc phòng năm 2018

(PLVN) - Cùng với Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Quốc phòng năm 2018 là văn bản pháp lý quan trọng, là khung định hướng để các lực lượng thực thi và xây dựng các chiến lược, văn bản luật.
Cảnh sát biển phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho bà con ngư dân
Cảnh sát biển phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho bà con ngư dân

Thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng về quốc phòng toàn dân

 Nhằm phổ biến, quán triệt nâng cao kiến thức, nhận thức cho lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ các cơ quan, đơn vị trực thuộc về nội dung cơ bản của Luật Quốc phòng năm 2018 và các nghị định quy định chi tiết thi hành luật, làm cơ sở triển khai, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong toàn quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, những ngày qua, các quân, binh chủng trong toàn quân đồng loạt tổ chức các hội nghị trực tuyến tập huấn Luật Quốc phòng năm 2018.

Theo đó, các báo cáo viên sẽ trình bày về: Luật Quốc phòng năm 2018; Nghị định của Chính phủ về Phòng thủ dân sự; Nghị định về Công tác Quốc phòng ở Bộ, ngành Trung ương, địa phương; Nghị định về Khu vực phòng thủ; Nghị định về tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật; Nghị định quy định về tổ chức xây dựng kế hoạch và biện pháp thực hiện động viên quốc phòng; Nghị định về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng.

 Luật Quốc phòng năm 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, thay thế Luật Quốc phòng năm 2005. Luật gồm 7 chương, 40 điều, giảm 2 chương và 11 điều so với Luật Quốc phòng năm 2005, là luật rất quan trọng, chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật về quốc phòng, tác động đến hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. 

 Luật Quốc phòng năm 2018 đã thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng về quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đã cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thống nhất với hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh và pháp luật liên quan.

Đặc biệt, Luật có nhiều quy định mới, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, hình thái chiến tranh tương lai có nhiều thay đổi, phát triển mới. 

Củng cố, tăng cường quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu

Về nguyên tắc hoạt động quốc phòng, Điều 3 Luật Quốc phòng năm 2018 quy định, hoạt động quốc phòng “đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước” nhằm thể chế quan điểm, chủ trương mới của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XII.

Củng cố, tăng cường quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) làm nòng cốt nhằm thể chế quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Về quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng, Điều 5 quy định, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc; phải thực hiện nghĩa vụ quân sự; có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; chấp hành biện pháp của Nhà nước và người có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Công dân được tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; giáo dục quốc phòng và an ninh; trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật. Công dân phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân hoặc được huy động làm nhiệm vụ quốc phòng thì bản thân và thân nhân được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Công dân bình đẳng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Khoản 1 Điều 7 giải thích nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường.

Còn Điều 25 quy định, Quân đội nhân dân  có chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước; thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu; một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

Về bảo đảm tài sản phục vụ quốc phòng, để cụ thể hóa quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013, trong đó đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; để thống nhất với Điều 64 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Điều 31, Luật Quốc phòng năm 2018 quy định tài sản phục vụ quốc phòng là tài sản công do Nhà nước thống nhất quản lý và bảo đảm bao gồm: Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ bao gồm tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng, tài sản phục vụ công tác quản lý về quốc phòng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.  

Tài sản trưng mua, trưng dụng, huy động và tài sản khác được Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức, địa phương quản lý phục vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật. Nhà nước có kế hoạch xây dựng dự trữ quốc gia để bảo đảm cho quốc phòng. Việc quản lý, sử dụng dự trữ quốc gia để bảo đảm cho quốc phòng thực hiện theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.

Đọc thêm