“Toàn xã hội phải có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản”

(PLO) - Sáng qua (27/7), tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL đã tổ chức Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam” vì sự phát triển bền vững. 
“Toàn xã hội phải có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản”

Trên 1.560 tỷ đồng để chống xuống cấp và tu bổ di tích.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, đại diện các bộ, ngành, đại diện UNESCO tại Hà Nội, nhiều đại biểu quốc tế, đại biểu các địa phương sở hữu các di sản thế giới và đông đảo các nghệ nhân, các nhà khoa học tham dự Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam có một nền di sản văn hóa phong phú, đặc sắc, đồng thời sở hữu những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Thủ tướng khẳng định, chúng ta có quyền tự hào về điều này. Vì vậy, tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng di sản vì bất cứ mục đích gì.

Thủ tướng yêu cầu các các cấp chính quyền phải chú ý trong giữ gìn và phát huy giá trị di sản; toàn xã hội phải có trách nhiệm bảo vệ di sản và phát huy giá trị di sản. Thủ tướng cũng nêu các nhiệm vụ đối với ngành VHTT&DL để đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển. 

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, góp phần trao truyền giá trị tốt đẹp, truyền thống quý báu của dân tộc đến thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp nối công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Theo Bộ VHTT&DL, một trong những hoạt động cơ bản để bảo vệ và phát huy giá trị di sản là việc nhận diện giá trị, lập hồ sơ xếp hạng, ghi danh ở trong nước và quốc tế và đặt chúng dưới sự bảo hộ của pháp luật. Từ năm 2011 đến năm 2018, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp trên 1.560 tỷ đồng cho các địa phương trên cả nước để chống xuống cấp và tu bổ di tích. 

Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã đạt được những hiệu quả tích cực, đã huy động được nguồn vốn không nhỏ từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và nguồn vốn viện trợ của UNESCO, các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ cho bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích. Số liệu thống kê từ các địa phương cho thấy, giai đoạn 2010 - 2018, nguồn xã hội hóa cho tu bổ, tôn tạo di tích lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Về xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa, đã có 01 Luật, 01 Luật sửa đổi, bổ sung; 08 Nghị định của Chính phủ và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; 16 Thông tư và 04 Quyết định của Bộ trưởng ban hành Quy chế, Quy định, Định mức điều chỉnh các hoạt động liên quan về di sản văn hóa.

Ở Việt Nam, từ năm 1962 tới nay đã có trên 4 vạn di tích được kiểm kê; trong đó có gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.463 di tích quốc gia; 95 di tích quốc gia đặc biệt, 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới được UNESCO ghi danh.
Trên cả nước có 61.669 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh/thành được kiểm kê, trong đó có 249 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Ngoài ra, Theo Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO, tính đến nay, Việt Nam đã có 7 Di sản Tư liệu được UNESCO ghi danh (gồm 3 Di sản Tư liệu Thế giới và 4 Di sản Tư liệu Khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

Đọc thêm