'Tôi không nghĩ mình sẽ trở thành anh hùng'

(PLO) - “Đánh giặc xong là về nhà thôi. Tôi không nghĩ mình sẽ là anh hùng” - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Nhương (quê ở xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) tâm sự. 
Anh hùng Nguyễn Văn Nhương (thứ 2 bên phải) cùng vợ và hai Trung tướng là đồng đội Nguyễn Đức Xê và Dương Thái trong Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT.
Anh hùng Nguyễn Văn Nhương (thứ 2 bên phải) cùng vợ và hai Trung tướng là đồng đội Nguyễn Đức Xê và Dương Thái trong Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT.

Năm 1965, mới 17 tuổi, cũng như lớp lớp thanh niên yêu nước thời bấy giờ, Nguyễn Văn Nhương đã nộp đơn xin nhập ngũ với nội dung rất rõ ràng: “Xin được cầm súng vào Nam giết giặc”. 

Những ngày đầu tháng 4 năm 2018, chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm chiến thắng Khe Sanh, trong ngôi nhà nhỏ tại đường Lý Thái Tổ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, ông nhớ lại: “ Cả 2 lần khám tuyển, tôi đều bị loại vì quá thấp bé, không đủ cân.”

Nhưng với sự quyết tâm, cuối cùng ông cũng thuyết phục được Hội đồng khám tuyển. Sau 3 tháng huấn luyện, đầu năm 1966, chiến sĩ Nguyễn Văn Nhương được biên chế về đại đội súng máy 12,7 ly của Đoàn Hoa Lư, tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ. Nhiệm vụ chính của đơn vị ông là bảo vệ các cây cầu ở Thanh Hóa quê ông, trong đó có cầu Hàm Rồng huyền thoại. Cho đến đầu năm 1967, ông cùng đơn vị hòa vào đoàn quân Nam tiến để bắt đầu chinh phục những trận đánh mới cùng với cuộc chiến hào hùng của cả dân tộc.

Khi trò chuyện với chúng tôi, bao nhiêu ký ức của những trận đánh lại dội về trong ông như không bao giờ vơi cạn. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, trong tổng số 175 trận đánh mà ông đã góp sức vào những chiến công chung của đồng đội. Nhưng có lẽ đậm sâu nhất, thể hiện sự dũng cảm, mưu trí nhất đã làm nên kỳ tích vang dội của người anh hùng này có lẽ là gần 40 ngày đêm không ngưng tiếng súng của tháng 3 năm 1968 ở trận địa sân bay Tà Cơn trong chiến thắng Khe Sanh lịch sử.

Sân bay Tà Cơn là một trong những căn cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966 -1968 tại chiến trường Khe Sanh, đây được xem là cái lõi của tập đoàn cứ điểm của quân đội Mỹ tại Khe Sanh. Nằm trên con đường 9 huyền thoại, sân bay Tà Cơn thuộc xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hiện nay, chỉ cách thị trấn Khe Sanh chừng gần 5 km.

Toàn sân bay Tà Cơn giống như một lòng chảo với bốn bề là núi non trùng điệp. Đây như là một pháo đài bất khả chiến bại với những điểm đặt hệ thống hỏa lực lý tưởng, cách với con đường 9 huyết mạch chưa đầy 3km. Nhưng trước sức mạnh của cuộc tiến công giải phóng Khe Sanh của Quân đội Nhân dân Việt Nam từ tháng 2 đến tháng 7-1968, nơi đây đã trở thành chiếc ghế điện đối với liên quân của đối phương. 

Anh hùng Nguyễn Văn Nhương nhớ lại, trong chiến dịch đánh chiếm sân bay Tà Cơn năm ấy, lúc đầu đơn vị bố trí khẩu đội pháo 12,7 ly cách sân bay trên 1000 mét. Qua thực tiễn những trận đánh trước đó, ông cho rằng nếu đặt xa như vậy sẽ không hiệu quả và chỉ bắn được những máy bay ở trên cao nên ông đã mạnh dạn đề xuất với chỉ huy đưa pháo vào cách sân bay 100 mét. Thấy nguy hiểm nên đơn vị không đồng ý với đề xuất của ông nhưng sau rất nhiều lần thuyết phục với sự quyết tâm cao độ, đề xuất của ông được chỉ huy chấp thuận.

Theo ông, nếu đặt pháo ở sát đường băng thì khi máy bay lên cũng bắn được mà khi máy bay xuống cũng bắn được. Hiệu quả quá bất ngờ khi ngay ở trận đầu này, đơn vị của ông đã bắn rơi 17 chiếc máy bay trực thăng hiệu HU1A của địch, một chiến công vang dội trên bầu trời Khe Sanh-Quảng Trị khi ấy.

Trong 17 chiếc máy bay của địch bị bắn rơi ở trận này thì riêng Nguyễn Văn Nhương bắn rơi 7 chiếc, trong đó có 1 ngày ông bắn rơi 3 chiếc. Sau trận đánh này, toàn đơn vị đã phát động phong trào sâu rộng học tập, noi gương sự mưu trí, dũng cảm của chiến sĩ Nguyễn Văn Nhương và đặt cho ông cái tên: “ Người chiến sỹ kiên trung”.Tuy nhiên, đơn vị thiệt hại khá lớn về người và vũ khí. Anh em đơn vị bị thương nhiều nhưng ông vẫn ngày đêm quyết không rời trận địa.

Ông tâm sự: “ Khi ấy giữa cái sống và chết rất mong manh nhưng mình thầm nhủ là phải giữ trọn lời thề trước Đảng kỳ khi ra trận là: “ Còn người, còn vũ khí là còn trận địa”. Nếu rút thì địch sẽ giết hết”. Chính vì có Nguyễn Văn Nhương quả cảm, gan dạ nên đại đội của ông luôn đứng vững và chiến thắng trước mưa bom, bão đạn của quân thù. 

Rời chiến trường Khe Sanh-Quảng Trị, ông tiếp tục trong cuộc hành quân bất tận của cả dân tộc vào Nam chiến đấu cùng đơn vị, Nguyễn Văn Nhương luôn thể hiện là người chiến sĩ đi tiên phong, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy nhưng luôn trong tâm thế của một người lính chiến đấu. Đầu tháng 8-1968 ông cùng đơn vị tham gia trận đánh Sở chỉ huy Chi khu Đăk Lập – Đăk Min, tỉnh Đăk Lăk. Sở chỉ huy của địch được bảo vệ bởi chằng chịt đồn bốt, hàng rào dây thép gai kiên cố… và đơn vị của ông có nhiệm vụ bắn vào trận địa hỏa lực, hỗ trợ cho bộ binh đánh địch phản kích, đồng thời bắn máy bay địch đổ quân chi viện cho chi khu.

Khi đang chỉ huy chiến đấu, hầm sập, ông bị thương đến bất tỉnh phải đưa về tuyến sau cấp cứu nhưng đi được nửa đường, tỉnh lại nói ông ra lệnh cho đồng đội quay trở lại tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu. Kết thúc trận đánh, đơn vị của ông bắn rơi 5 máy bay, riêng ông bắn rơi 3 chiếc. Cuối năm 1968, ông chỉ huy đơn vị trực tiếp cho bộ binh tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn Không vận Mỹ ở Sóc Trăng, diệt 70 xe cơ giới của Mỹ, sau đó tiến công tiêu diệt các tiểu đoàn quân Mỹ ở mặt trận Lộc Ninh (Bình Phước). 

Năm 1970, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ tham gia chiến dịch ở Đông Bắc (Campuchia), trong đó có trận đánh ở Đầm Be. Địch dùng xe tăng, máy bay, bộ binh và các loại  hỏa lực hòng san bằng trận địa của ta, song ông đã linh hoạt sử dụng súng 12,7 ly cùng súng bộ binh, B40, lựu đạn để chiến đấu chống trả các đợt phản công của địch.

Đặc biệt, khi xe tăng địch tiến gần, ông đã dũng cảm ôm mìn chống tăng bò ra khỏi hầm lăn mìn vào xích xe tăng, làm cháy chiếc xe tăng chạy trước, sau đó ông quay trở lại hầm bình tĩnh sử dụng quả súng cối 40 ly cuối cùng bắn cháy tiếp chiếc xe tăng thứ 2, rồi sử dụng súng bộ binh, lựu đạn tiêu diệt bộ binh địch.

Kết thúc chiến dịch phản công này, ông bắn rơi 2 máy bay, diệt 2 xe tăng và nhiều tên địch. Cuối năm 1972, ông được cử ra Bắc đào tạo cán bộ Chính trị ở Học viện trung-cao cấp. Năm 1973, ông được điều động làm chính trị viên Tiểu đoàn 22 (Quân khu 4). Sau đó, vẫn trên cương vị chính trị viên Tiểu đoàn 22, ông được tăng cường vào Tây Nguyên cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Ông Nguyễn Văn Nhương đã được tặng thưởng 11 Huân chương Chiến công Giải phóng, 2 Huân chương Chiến sĩ Giải phóng, 5 Huy hiệu Chiến sĩ diệt máy bay; Huy hiệu Chiến sĩ diệt xe tăng; Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ - Ngụy; Huy hiệu Chiến sĩ thi đua quyết thắng; 5 năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp Trung đoàn và Sư đoàn; 2 lần được đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua anh hùng toàn Miền Nam tại Hà Nội trong những ngày chiến tranh chống Mỹ gian khổ nhất. Ngày 28/5/2010, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

Đọc thêm