Tổng cục Đường bộ bị phê bình vì đề xuất bỏ quy định khoảng cách hai trạm thu phí

(PLO) - Mới đây, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể đã họp với tổ biên soạn dự thảo sửa đổi thông tư 49/2016, quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (trạm thu phí).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong những ngày qua, dư luận quan tâm đến việc sửa đổi thông tư 49 do dự thảo lần một đã quy định trạm thu phí cần cách nhau 70km, đến dự thảo lần hai, tổ biên soạn lại loại bỏ nội dung này.

Ông Thể bày tỏ ngạc nhiên về đề xuất trên và khẳng định không chủ trương quy định cự ly giữa các trạm thu phí, thông tư 49 của Bộ Giao thông chỉ có nội dung về hoạt động của trạm. 

Theo ông Thể, thông tư 159 của Bộ Tài chính mới là văn bản quy định khoảng cách giữa các trạm là 70km, trong trường hợp dưới khoảng cách đó thì phải có thỏa thuận của Bộ GTVT, UBND các tỉnh thành và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu không làm BOT trên đường độc đạo, đường cũ nên quy định khoảng cách không còn ý nghĩa. Bộ Giao thông sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo này và chỉ xây dựng dự án BOT trên các tuyến đường mới để cho người dân, doanh nghiệp có sự lựa chọn.

Ông Thể đặt câu hỏi: “Bộ không chỉ đạo quy định nội dung này trong Thông tư, vì lý do gì mà Tổng cục Đường bộ đưa vào dự thảo, tạo nên sự hiểu lầm trong xã hội rằng Bộ quay lại mở rộng và lập trạm trên đường cũ?”.

Lý giải về dự thảo trên, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó tổng cục trưởng Đường bộ nói, Tổng cục thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng về nghiên cứu, ban hành tiêu chí đặt trạm thu giá đường bộ. Việc đưa quy định khoảng cách 70km vào dự thảo lần một là trên cơ sở nhắc lại Thông tư 159 của Bộ Tài chính.

Không đồng tình với cách trả lời này, ông Thể đặt câu hỏi: Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông và Bộ hoàn toàn không yêu cầu Tổng cục về nội dung đó. Bộ không yêu cầu, tại sao Tổng cục lại đưa quy định này vào?

Ông Thể cho rằng, tổ soạn thảo của Tổng cục Đường bộ không hiểu rõ bản chất sự việc, do đó trong quá trình thực hiện đã xảy ra sai sót không đáng có, dẫn đến phản ứng của dư luận nhưng lại không cung cấp thông tin đầy đủ, nhất là lý do vì sao dự thảo lần một có đưa quy định về khoảng cách đặt trạm và đến dự thảo lần hai lại bỏ ra.

Ông Thể chỉ đạo Tổng cục trưởng Đường bộ kiểm điểm trách nhiệm tổ soạn thảo và báo cáo kết quả về Bộ; các đơn vị liên quan tham gia xây dựng thông tư cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, rút kinh nghiệm trong xây dựng thông tư, nghị định sau tốt hơn. “Những việc ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp phải bàn thấu đáo, xem xét, lường trước khi ban hành thông tư sẽ tác động thế nào để giải trình”, ông Thể nhấn mạnh.

Trước đó, dự thảo (lần 2) Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 46/2016/TT-BGTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, đề xuất bỏ quy định về khoảng cách tối thiểu 70km giữa các trạm thu giá. Dự thảo đề xuất trạm thu giá phải đảm bảo các tiêu chí, điều kiện sau: Vị trí trạm thu giá phải được xác định trong thời gian lập dự án BOT; phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan (nhà nước, nhà đầu tư, người dân địa phương); phải thuận lợi cho việc thu giá, đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án BOT. So với dự thảo lần trước thì lần này dự thảo đã bỏ quy định về khoảng cách giữa các trạm và bỏ lấy ý kiến của Hiệp hội Vận tải ô tô và ý kiến của nhân dân địa phương.

Giải thích về việc bỏ quy định khoảng cách tối thiểu giữa các trạm là 70km, dự thảo cho rằng “sau khi dự thảo lần 1 có quy định về khoảng cách giữa các trạm thu giá, nhiều đơn vị góp ý đã đề nghị, cần thuyết minh rõ cơ sở khoa học tính toán, xây dựng và quy định tiêu chí khoảng cách 70 km giữa các trạm thu giá trên cùng một tuyến đường”.

Đọc thêm