Tổng thống Obama: Mỹ tuyên chiến với khủng bố

(PLO) - 20h00 ngày 6/12 (giờ Mỹ), tức 8h00 sáng 7/12 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu đặc biệt gửi tới người dân về những nỗ lực chống khủng bố. Bài phát biểu diễn ra chỉ vài ngày sau vụ xả súng ở bang California làm 14 người thiệt mạng và 21 người khác bị thương. Nước Mỹ - có thể nói – đã tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố. 
Từ phòng bầu dục, Tổng thống Mỹ tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố
Từ phòng bầu dục, Tổng thống Mỹ tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố
Từ phòng Bầu dục, Tổng thống Obama khẳng định rằng mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố là hiện hữu, song cho rằng “chúng ta sẽ đánh bại được hiểm họa này”. Ông cũng cho biết trong vài năm qua, mối đe dọa từ khủng bố đã chuyển sang giai đoạn mới, Mỹ sẽ tiêu diệt tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) và lùng bắt các phần tử khủng bố “ở bất cứ nước nào cần thiết”. 
Bên cạnh đó, ông cho rằng Quốc hội Mỹ nên thông qua đề xuất sử dụng lực lượng bộ binh để chống IS, đồng thời kêu gọi tăng cường kiểm soát súng đạn. 
Dấn sâu vào cuộc chiến chống IS
Theo Tổng thống Obama, hệ tư tưởng cực đoan đã lan rộng trong một số cộng đồng Hồi giáo và các nhà lãnh đạo Hồi giáo phải phối hợp với các nước khác nhằm loại bỏ tư tưởng của IS. Ngoài ra, Tổng thống Obama còn cho biết Nhà Trắng để ngỏ khả năng triển khai thêm lực lượng Mỹ chống IS.
Theo AFP, với bài phát biểu mới nhất này, Tổng thống Obama đang đẩy Mỹ lún sâu hơn vào cuộc chiến chống tổ chức IS, một cuộc chiến nhiều khả năng sẽ chi phối năm cuối nhiệm kỳ lãnh đạo của ông. Sau một năm tiến hành các cuộc không kích, hạn chế phần nào sự hoành hành của IS, chính quyền Washington vừa công bố một loạt biện pháp mà giới quan sát cho là tín hiệu báo trước cuộc chiến chống IS sẽ là trọng tâm xuyên suốt thời gian cầm quyền còn lại của ông Obama. 
Sau nhiều lần loại trừ phương án “triển khai bộ binh”, Tổng thống Obama đã đồng ý điều khoảng 200 lính đặc nhiệm đến Iraq với nhiệm vụ thực hiện các cuộc đột kích từ bên trong Syria.
Một thông tin khác ít thu hút sự chú ý là việc ông Obama bổ nhiệm Cố vấn an ninh quốc gia Rob Malley phối hợp với các quan chức thực hiện chính sách đối phó IS của Mỹ. Ông Malley đã làm cố vấn cho Tổng thống Obama kể từ chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 và đóng một vai trò then chốt trong việc điều phối các thỏa thuận hạt nhân với Iran - ưu tiên ngoại giao hàng đầu của người đứng đầu Nhà Trắng. 
Việc bổ nhiệm ông Malley là một phần trong kế hoạch ổn định bộ máy tại Nhà Trắng nhằm phối hợp đồng bộ các nỗ lực ngoại giao, quân sự, tình báo, nhân đạo và tài chính khác. Tuy nhiên, đây cũng là một tín hiệu cho thấy việc tiêu diệt IS giờ đây đã trở thành một trong những ưu tiên chính trị hàng đầu của chính quyền Washington, tương tự như thỏa thuận hạt nhân với Iran. 
Một quan chức cao cấp chia sẻ với AFP: “Đây (cuộc chiến chống IS) đã trở thành một vấn đề quá quan trọng đối với tương lai của khu vực cũng như mối quan hệ của chúng ta với khu vực. Điều gì xảy ra tại Syria, Iraq, đối với IS, và những mối đe dọa mà Mỹ đang đối mặt, tất cả điều đó phải là một ưu tiên hàng đầu đối với chính quyền”. Nguồn tin này nói thêm: “Gánh nặng ngày một lớn và tình hình ngày càng phức tạp”. 
“Mớ bòng bong” khủng bố
Ông Obama từ lâu đã luôn đau đầu tìm hướng giải quyết “mớ bòng bong” chống khủng bố, bởi trong khi áp lực chính trị cần phải có hành động tại Syria và sự cần thiết phải ngăn chặn IS ngày càng lớn, ông không thể không tính đến quan điểm cho rằng can thiệp quân sự sẽ chỉ càng “đổ thêm dầu vào lửa” và kích động hơn nữa các tư tưởng cực đoan. 
Đối với một tổng thống từng đắc cử với chương trình nghị sự và cương lĩnh tranh cử phản đối chiến tranh, việc triển khai hàng chục nghìn binh lính tới Iraq và Syria dường như là một bước đi chính trị không tưởng. Về cơ bản, những tính toán đó của ông Obama có thể không thay đổi, song với việc IS ngày càng trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực và toàn thế giới, chính quyền Washington khó có thể kiên định với những quan điểm của mình.
Các vụ tấn công đẫm máu tại Paris vừa qua đã chỉ làm gia tăng những tranh cãi bên trong nội bộ chính quyền về sự cấp bách của các biện pháp củng cố an ninh. Trong khi đó, dòng người tị nạn từ Syria tràn về châu Âu đã đẩy khu vực này tới những rạn nứt nghiêm trọng và càng củng cố sức mạnh cho những lực lượng cánh hữu không ủng hộ “giấc mơ châu Âu”. 
Mâu thuẫn mới nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh thuộc khối NATO, và Nga càng làm tăng nguy cơ bùng phát một cuộc chiến toàn diện giữa các cường quốc khu vực. Ngoài ra còn có không ít lo ngại về sự ổn định của chính quyền Iraq đương nhiệm do Tổng thống Haider al-Abadi đứng đầu, hay về nguy cơ căng thẳng leo thang trong cuộc xung đột giữa người Hồi giáo dòng Shi’ite và người Kurd cũng như khả năng IS chiếm được vũ khí hóa học. 
Trong bối cảnh đó, Mỹ cùng với Australia, Anh, Pháp và Đức đã đẩy mạnh các chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, Nhà Trắng nhận ra rằng không thể chỉ dựa vào không quân để đánh bại các tay súng của IS. Sau hàng loạt cuộc không kích không mấy hiệu quả, Washington giờ đây đã hiểu được mối liên kết chặt chẽ giữa các biện pháp ngoại giao và quân sự. 
Có ý kiến cho rằng một bước đi quan trọng và cần thiết là tiến hành đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội của chính quyền Damascus và lực lượng nổi dậy “ôn hòa”, đồng thời đảm bảo nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad sẽ từ bỏ quyền lực. 
Một quan chức chính quyền Obama nhận định: “Chừng nào cuộc chiến đó vẫn tiếp tục, người ta khó có thể tập trung vào cuộc chiến chống lại IS... Quân nổi dậy chắc chắn sẽ không dốc toàn lực để đương đầu với IS, do lo ngại khả năng bị chính quyền Damascus hoặc các đồng minh Nga và Iran của họ lấn át”.
Huấn luyện phi công -khủng bố, tuyển thêm lính
Trong khi đó, ngày 6/12 truyền thông Mỹ  cũng cho biết, các phiến quân ở Libya đã chiếm đoạt được các máy bay cỡ nhỏ và thiết bị mô hình tập bay, có thể sử dụng để huấn luyện những kỹ năng cơ bản về lái máy bay. 
Kênh truyền hình Fox News của Mỹ đưa tin IS đã bắt đầu huấn luyện phi công tại một căn cứ không quân mà chúng kiểm soát ở Libya. Cựu điệp viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Erik Burkhart cho biết, ít nhất 1 mô hình tập bay và một vài máy bay cỡ nhỏ đã rơi vào tay phiến quân sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi, tiềm ẩn mối đe dọa phiến quân có thể tiến hành các vụ tấn công khủng bố như từng xảy ra ở Mỹ ngày 11/9/2001. 
Trong khi đó, cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự Israel, ông Jacques Neriah nhận định, để tiến hành các vụ tấn công, phiến quân chỉ cần tới các kỹ năng lái máy bay cơ bản. Ông lưu ý: “Ví dụ chúng ta nói tới các phi công sơ đẳng có thể cất cánh một máy bay hạng nhẹ và điều khiển cho máy bay rơi ở Vatican. Chỉ mất 1,5 giờ đồng hồ để bay từ Libya (qua Địa Trung Hải) tới Rome”. 
Hồi đầu tuần, tờ Asharq al-Awsat dẫn các nguồn tin từ quân đội Libya nói rằng một tổ chức khủng bố đã sở hữu “một thiết bị huấn luyện máy bay kiểu mới”, vốn có thể được tuồn vào nước này từ hồi tháng 10. Thiết bị này được trang bị một màn hình rađa và thiết bị để liên lạc với các kiểm soát viên không lưu.
Còn Đại tá Pat Ryder - Người phát ngôn của Bộ Chỉ huy trung tâm của quân đội Mỹ - cho biết, IS đã hạ thấp độ tuổi đi lính và điều này chứng tỏ nhóm khủng bố này đang chật vật để tìm người thay cho những tổn thất mà chúng gánh chịu trên chiến trường. Ông Ryder cho hay, các trẻ em bị IS bắt lính có em chỉ 10 tuổi và chúng dùng các em này cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, kể cả chiến đấu.
Lâu nay, IS vẫn hay khoe khoang về lính trẻ em trong hàng ngũ của họ và gọi những em này là “Những chú sói con của quốc gia Hồi giáo”. Trong một đoạn video tuyên truyền mà IS phổ biến trên mạng hồi gần đây, người ta chứng kiến 6 đứa trẻ xử tử những người bị nhóm khủng bố này bắt giữ. Tính xác thực của đoạn video này chưa được kiểm chứng độc lập. 
Theo tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, một cuộc điều tra của LHQ cho thấy trong số 480 chiến binh IS thiệt mạng khi các lực lượng Iraq chiếm lại thị trấn Baiji (Bai-di), có nhiều trẻ em hoặc thiếu niên.
Sự có mặt lính trẻ em của IS có thể gây lúng túng cho các lực lượng Mỹ và liên quân. Đại tá Ryder cho biết liên quân không hề có ý định tiêu diệt phụ nữ hoặc trẻ em vô tội hoặc bất kỳ một người vô tội nào trên chiến trường. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, sự hiện diện của lính trẻ em sẽ không làm cho máy bay Mỹ phải hủy bỏ các cuộc không kích. 
Theo luật pháp quốc tế, trẻ em sẽ bị mất quy chế bảo vệ đặc biệt trong chiến tranh nếu các em trực tiếp tham gia trong cuộc xung đột.
Tuy nhiên, kết quả những cuộc không kích dồn dập do Nga, Mỹ và một số nước phương Tây thực hiện cũng đang dồn IS vào thế khó khăn. Tờ “The Washington Post” của Mỹ đưa tin, IS do để mất các vùng lãnh thổ từng kiểm soát ở Syria và Iraq nên đã bắt đầu gặp khó khăn về tài chính. 
Ông Mitch Quinn, giáo sư khoa học chính trị của Đại học Brigham Young (bang Utah) nhận định: “Vấn đề của IS, trước tiên là do phần lớn nguồn tài chính mà nhóm này thu được nhờ chiếm đoạt, thu giữ và tống tiền, và đó là nguồn không ổn định. Nay việc mất lãnh thổ khiến nguồn thu ngày càng trở nên khó khăn”. 
Báo trên lưu ý có nhiều thông tin về nguồn thu của IS. Theo thông tin ngày 4/10 của Bộ Ngoại giao Mỹ, thu nhập của IS dao động từ 1-1,5 triệu USD/ngày nhờ bán dầu. Do thâm hụt ngân sách, IS đang nỗ lực trang trải bằng cách tăng thuế đánh vào các công dân Iraq và Syria cư trú trong khu vực chúng kiểm soát. 
Ngoài ra, theo chuyên gia phân tích của Jane’s Information Group, ông Columb Struck, IS cũng đã giảm lương chi cho các tay súng, từ 400 USD xuống 300 USD/tháng. 
IS đã mất 1/3 lãnh thổ mà nhóm này kiểm soát ở Iraq, trong đó có thành phố Tikrit và nhà máy lọc dầu ở Baiji. Tại Syria, liên minh đối lập, được Mỹ hậu thuẫn, ngày 13/11 đã giải phóng thành phố Hula thuộc tỉnh El Hasaka. 
Ngày 10/11, các binh sĩ quân đội Syria dưới sự yểm trợ của không quân Nga đã chọc thủng vòng vây suốt 2 năm qua của IS quanh sân bay Kweyris thuộc tỉnh Aleppo.

Đọc thêm