TP HCM quyết tâm đột phá trong cải cách hành chính

(PLO) - Với quyết tâm không để các thủ tục hành chính (TTHC) cản trở sự phát triển, năm 2017, TP HCM tiếp tục cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quy hoạch, cung cấp dịch vụ tiện ích cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn, hướng tới xây dựng đô thị thông minh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong năm 2016, các sở, ngành ở TP HCM đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho 44 thủ tục. Cấp quận huyện đến phường, xã cũng thực hiện các dịch vụ công trực tuyến với 10 thủ tục. Thành phố đang cung cấp dịch vụ trực tuyến với 1.700 dịch vụ ở mức độ 2, tức là cung cấp dịch vụ, cho phép người dân tải các mẫu văn bản và khai báo hoàn thiện hồ sơ để gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện; 426 dịch vụ ở mức độ 3, nghĩa là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người dân gửi trực tuyến hồ sơ.

Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả trực tiếp; với 46 dịch vụ ở mức độ 4, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người dân thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến. Người dân nhận kết quả trực tuyến, trực tiếp hoặc qua bưu điện.

Đến nay, các sở, ngành, ủy ban nhân dân 24 quận, huyện và ủy ban nhân dân 322 phường, xã, thị trấn đã thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để áp dụng mô hình một cửa, một cửa liên thông, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin, ISO 9001:2008 điện tử trong quản lý, điều hành.

Công tác phân cấp, ủy quyền giữa UBND thành phố với sở, ban, ngành, UBND quận, huyện tiếp tục được đẩy mạnh trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, gắn với công tác cải cách TTHC. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo thành phố, công tác cải cách TTHC vẫn chưa thật sự đồng bộ, còn nhiều hạn chế, tồn tại. Sự thiếu chuyên nghiệp và môi trường làm việc của các đơn vị chưa đảm bảo khiến cho người dân, doanh nghiệp còn thiếu tin tưởng các cơ quan công quyền.

Năm 2017, TP HCM tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Trong đó tập trung xây dựng chính quyền điện tử, phấn đấu đưa vào hoạt động 40-50% dịch vụ công trực tuyến, xây dựng 50% dịch vụ công trực tuyến liên thông điện tử, toàn thành phố ứng dụng việc gửi thư mời điện tử, chấm dứt hoàn toàn việc gửi thư mời họp bằng giấy.

Theo yêu cầu của lãnh đạo thành phố, năm nay phải đảm bảo việc giải quyết hồ sơ hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước giảm 50% so với năm 2016, 100% thủ tục hành chính được công khai đúng quy định; 100% sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn phải có hệ thống lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp do thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý để biết và phân công người giải quyết ngay những bức xúc của người dân, doanh nghiệp;…

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, nếu đột phá mạnh mẽ trong cải cách hành chính sẽ tạo đà cho thành phố phát triển hơn nữa: “Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng quyền hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước của cấp chính quyền. Bởi vì chính thủ tục rườm rà tạo ra lực cản rất lớn cho sự phát triển và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư của thành phố. Vì vậy bây giờ, thành phố phải quyết liệt chỉ đạo giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân làm ăn. Nếu giải quyết được vấn đề này nó chính là nhân tố cho sự phát triển của thành phố”.

TP HCM đang tiến hành xây dựng đô thị thông minh, một nơi đáng sống. Xây dựng đô thị thông minh có hai mục tiêu là phải xây dựng thành công chính quyền đô thị và áp dụng giải pháp công nghệ để giải quyết những vấn đề quản lý, quy hoạch, vấn đề cung cấp dịch vụ tiện ích, nâng cao đời sống người dân. Chính vì vậy, cải cách hành chính đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính quyền vì dân phục vụ, để đưa TP HCM phát triển nhanh và bền vững.

Đọc thêm