Trả lời chất vấn tại phiên họp UBTVQH không được quá 3 phút/lần?

(PLO) - Tổng thư ký – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị thí điểm "Chất vấn và trả lời chất vấn ngay”. Theo đó, ĐBQH nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/ 1 lần. Người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu không quá 3 phút/ 1 lần...
Ảnh: Quochoi.vn
Ảnh: Quochoi.vn

Sáng nay, 23/2, Tổng thư ký – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp về việc tổ chức hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Về cách thức tổ chức tại phiên chất vấn lần này, Tổng thư ký – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiến hành thí điểm "Chất vấn và trả lời chất vấn ngay”. Theo đó, ĐBQH nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/ 1 lần. Người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu không quá 3 phút/ 1 lần. Việc thí điểm nhằm làm cơ sở, rút kinh nghiệm cho việc thực hiện hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5 và thứ 6 sắp tới.

Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 22 tiếp tục thực hiện các nội dung: người bị chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi ĐBQH tiến hành chất vấn. Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc, bế mạc. Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung chất vấn theo phân công của Chủ tịch Quốc hội. Phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi, giám sát; truyền hình trực tuyến với sự tham gia của các vị ĐBQH chuyên trách ở trung ương và ĐBQH tại 63 Đoàn ĐBQH.

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra ngày 12-16/3. Tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian 1 ngày để tổ chức phiên chất vấn với 2 thành viên Chính phủ. Sau hoạt động chất vấn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết hoặc kết luận làm cơ sở để giám sát việc thực hiện.

Đọc thêm