Tránh hình thức trong phòng ngừa tham nhũng

(PLO) - Đây là một trong những yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khi đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018, bàn một số nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm của ngành Thanh tra. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát hiện vi phạm gần 10 nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo của TTCP, 6 tháng đầu năm 2018, ngành Thanh tra đã tập trung triển khai kế hoạch thanh tra, gắn với thanh tra đột xuất, trong đó có những cuộc thanh tra phức tạp được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như thanh tra Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) hay thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam…

Nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; qua thanh tra phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật. Qua đó, đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong ban hành chính sách, pháp luật, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Cụ thể, toàn ngành đã triển khai 3.827 cuộc thanh tra hành chính và 92.913 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm 9.814 tỷ đồng, 32.627 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 7.875 tỷ đồng và 357ha đất (đã thu hồi 1.924 tỷ đồng); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 1.939 tỷ đồng, 32.270ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 563 tập thể, 135 cá nhân; ban hành 51.305 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5.889 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 42 vụ, 46 đối tượng.

Toàn ngành cũng tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 1.906 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi và xử lý khác 2.096 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 69,4%), 7ha đất (đạt tỷ lệ 4,7%); xử lý hành chính 370 tổ chức, 1.146 cá nhân; khởi tố 11 vụ, 9 đối tượng. Đáng chú ý, qua kiểm tra và hoạt động thanh tra đã phát hiện 22 vụ, 18 đối tượng tham nhũng, liên quan đến tham nhũng như ở An Giang, Long An, Phú Yên, Bình Định, Đồng Nai, Lào Cai, Hà Giang, Kiên Giang…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế như một số cuộc thanh tra ban hành kết luận còn chậm; kết quả phát hiện, xử lý vi phạm về kinh tế, số các vụ việc chuyển cơ quan điều tra thấp hơn so với cùng kỳ 2017. Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra có nhiều cố gắng nhưng kết quả xử lý sai phạm về đất đai chưa đạt yêu cầu đề ra.

Nhiều vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt thấp (71,5%), chưa đạt mục tiêu đề ra; khi giải quyết còn nhiều sai sót. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra, đôn đốc không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế, số vụ việc phát hiện còn ít…

Xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng

Biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và kết quả của ngành Thanh tra trong 6 tháng đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng thẳng thắn chỉ ra  ngành Thanh tra vẫn còn có một số hạn chế cần đánh giá, đề ra các biện pháp khắc phục. Nhấn mạnh nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 còn lại rất nhiều, Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành Thanh tra cần tiếp tục đổi mới, nỗ lực triển khai mạnh mẽ đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp. 

Theo đó, tiếp tục thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất, nội dung thanh tra phải trọng tâm, trọng điểm, giảm thanh tra vụ việc, chú trọng tập trung vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; khắc phục việc chậm ban hành các kết luận thanh tra, tập trung ban hành kết luận cuộc thanh tra đã kết thúc.

“Kết luận phải bảo đảm chính xác, khách quan, các trường hợp có dấu hiệu phạm tội thì chuyển sang cơ quan điều tra, đồng thời giao cho Viện kiểm sát biết để theo dõi, phối hợp” - Phó Thủ tướng nhắc nhở. 

Trong công tác PCTN, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo hướng đi vào thực chất, tránh hình thức. Đồng thời, tập trung phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh đúng pháp luật các vụ việc, nhất là các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng. Phó Thủ tướng lưu ý:

“Cần tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc của xã hội” và đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kết luận thanh tra các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi.

Ngoài ra, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ, quản lý nội bộ, gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ; thực hiện việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ thanh tra, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

“Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, loại khỏi bộ máy Thanh tra những cán bộ thoái hóa, biến chất. Thực hiện việc phòng, chống tội phạm trong chính cơ quan Thanh tra. Phải xử lý nghiêm, kiên quyết không có “vùng cấm” trong xử lý các hành vi vi phạm” – Phó Thủ tướng quán triệt.

Đọc thêm