Tránh “kẻ khóc, người cười” khi lập UBLV sông Sê San – Sêrêpốk

(PLO) - Sáng qua (20/4), tại tỉnh Đắk Lắk, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Chu Phạm Ngọc Hiển đã chủ trì hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo đề án thành lập các ủy ban lưu vực sông (UBLVS) và Đề án thành lập UBLV sông Sê San – Sêrêpốk.
Tránh “kẻ khóc, người cười” khi lập UBLV sông Sê San – Sêrêpốk

Theo dự thảo Đề án thành lập các UBLV sông, UBLV sông có chức năng kiến nghị việc điều hòa, phân phối nguồn nước, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường lưu vực sông, phòng chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra, tham gia, phối hợp giải quyết các vấn đề có tính liên ngành, liên vùng, liên địa phương trên các lưu vực sông liên tỉnh thuộc phạm vi trách nhiệm đã phân công.

Bộ TN&MT đề xuất thành lập 6 UBLV sông gồm: UBLV sông Hồng - Thái Bình (chịu trách nhiệm đối với lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Bằng Giang, Kỳ Cùng, Tiên Yên, Ba Chẽ), UBLV sông Cửu Long (chịu trách nhiệm đối với hệ thống sông thuộc Đồng bằng sông Cửu Long), UBLV sông khu vực Bắc Trung bộ (chịu trách nhiệm đối với 9 lưu vực sông Mã, Cả, Hương, Tống, Yên, Lạch Bạng, Gianh, Bến Hải và Ô Lâu), UBLV sông khu vực Nam Trung bộ (chịu trách nhiệm đối với 9 lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, Ba, Trà Khúc, Kôn – Hà Thanh, Lại Giang, Kỳ Lộ, Cái Ninh Hòa, Cái Nha Trang), UBLV sông Sê San – Sêrêpốk (chịu trách nhiệm đối với lưu vực sông Sê San và Sêrêpốk), UBLV sông Đồng Nai (chịu trách nhiệm đối với 8 lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn, Cạn, Trâu, Cái Phan Rang, Lũy, Cái Phan Thiết, Dinh, Đu Đủ, Ray).

Trong đó, Bộ TN&MT đang thí điểm xây dựng UBLV sông Sê San – Sêrêpốk. Đây là 2 sông có nguồn tài nguyên nước phong phú kết hợp với địa hình dốc được xem là lợi thế trong phát triển thủy điện, tưới tiêu, cấp nước phục vụ sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế - xã hội và cải thiện điều kiện sinh sống của người dân 5 tỉnh Tây Nguyên. 

Tuy nhiên, hiện tình hình khai thác, sử dụng nước ở hai ngành chính là nông nghiệp và thủy điện đã gần đạt tới mức khai thác tối đa trữ năng cho phép. Do vậy, việc quản lý tài nguyên nước tại lưu vực đòi hỏi phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả dựa trên các quy hoạch, kế hoạch cụ thể để bảo vệ nguồn tài nguyên nước trong vùng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập các UBLV sông là cần thiết để tham mưu, giúp việc cho các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước hiệu quả và bền vững hơn. Song để các UBLV sông hoạt động có hiệu quả sau khi thành lập, cần có quy định rõ ràng về chức năng, quyền hạn của các UBLV sông nhằm đảm bảo sự hài hòa trong việc điều phối nguồn nước, nhất là ở các sông liên tỉnh, ở thượng nguồn và hạ lưu các con sông, tránh tình trạng mang lại lợi ích cho địa phương này nhưng lại gây ảnh hưởng xấu cho địa phương khác.

Về cơ chế tài chính, nên lấy nguồn thu từ tài nguyên nước để chi cho hoạt động của các UBLV sông và văn phòng UBLV sông  thì hoạt động mới ổn định liên tục và hiệu quả.

Dự kiến Dự án này sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 6/2016.

Đọc thêm