Tranh luận việc có nên quản lý nguồn thu từ các lễ hội

(PLO) - Hôm qua (24/10), cho ý kiến Dự thảo Luật Tín ngưỡng tôn giáo (TNTG) đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội đều đồng ý với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu (ĐB) cho rằng Quốc hội (QH) cần sớm thông qua Dự thảo Luật TNTG trong kỳ họp để đảm bảo quyền tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi cá nhân.
Còn nhiều ý kiến quanh việc có nên quản lý nguồn thu của các lễ hội 
(Ảnh minh họa)
Còn nhiều ý kiến quanh việc có nên quản lý nguồn thu của các lễ hội (Ảnh minh họa)

Bỏ cơ chế “xin – cho”

Trước thắc mắc của nhiều ĐB cho rằng Dự thảo Luật còn quá nhiều quy định mang nặng tính hành chính, “xin - cho” và đề nghị quy định theo hướng giảm các thủ tục hành chính, tăng hình thức thông báo, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Dự thảo Luật để các quy định về thủ tục hành chính phù hợp hơn với quan điểm xây dựng Luật. Đến nay, rất nhiều nội dung trong dự thảo đã chuyển từ hình thức đăng ký - cấp phép hoặc đề nghị - chấp thuận sang hình thức thông báo. 

“Dự thảo Luật minh bạch hoá các quy định về thủ tục hành chính, thẩm quyền và thời gian xử lý... Những điểm mới này nhằm góp phần tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; đồng thời thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với những vấn đề thuộc về nội bộ của tổ chức tôn giáo”, ông Bình nói.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay còn phân tán và đề nghị quy định ngay trong Luật để bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý. Ông Bình cho biết, hiện nay Chính phủ đã thống nhất quản lý về tín ngưỡng, tôn giáo. Thực tế cho thấy, quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tiễn còn thiếu đồng bộ. Do đó, việc đặt ra yêu cầu cần có một cơ quan phù hợp chịu trách nhiệm trước Chính phủ về lĩnh vực này là xác đáng.

“Tuy nhiên, việc quy định cụ thể ngay trong Luật cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng. Do đó, UBTVQH đề nghị QH cho giữ quy định về vấn đề này như trong Dự thảo Luật trình Quốc hội: giao Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước và phân công cụ thể cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, ông Bình nói rõ hơn.

Minh bạch nguồn thu

Cho rằng các quy định của pháp luật đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước định hướng tín ngưỡng tôn giáo đi đúng hướng và hướng về mục đích hướng thiện, tuy nhiên ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) vẫn băn khoăn khi Dự thảo Luật quy định, điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo thì tổ chức tôn giáo đó phải hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 5 năm trở lên kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Theo ĐB Mai, việc quy định như trên chưa cụ thể, thiếu tính rõ ràng. Vì ĐB Mai cho rằng, trong 5 năm đó là tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tổ chức pháp lý và cũng chưa rõ mô hình là gì thì quyền hạn của họ cũng chưa rõ. 

“Theo suy nghĩ của tôi, nếu trong quá trình quá trình hoạt động, tổ chức tôn giáo đủ điều kiện thì nên cho phép được công nhận là tổ chức tôn giáo, còn trong quá trình hoạt động nếu có vấn đề vi phạm thì lúc đó không cho phép hoạt động. Cần quy định theo hướng hậu kiểm hơn tiền kiểm”, ĐB Mai đề nghị.

Liên quan đến việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng, vẫn còn nhiều ĐB băn khoăn khi thực tế nguồn thu trên nhiều khi không sử dụng vào mục đích lễ hội mà vào việc khác. “Chính việc chưa có quy định rõ ràng, thiếu minh bạch dẫn tới mâu thuẫn giữa nhân dân và ban tổ chức, thậm chí chính quyền cơ sở cũng can thiệp vào vấn đề này”, ĐB Trần Tất Thế (Hà Nam) cho biết.

Để quản lý và sử dụng nguồn thu có hiệu quả, ĐB Trần Tất Thế đề nghị Luật cần quy định nguồn thu này chỉ được sử dụng vào mục đích tổ chức lễ hội tôn tạo các cơ sở tín ngưỡng và Nhà nước được thông báo về nguồn thu. “Cần có chế tài xử lý khi, cơ sở tổ chức nào sử dụng nguồn thu này không đúng mục đích”, ĐB Thế đề nghị.

Tuy nhiên, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP HCM) cho rằng Nhà nước không nên can thiệp vào việc quản lý nguồn thu của các tổ chức tín ngưỡng tôn giáo mà nên để các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo tự chịu trách nhiệm, khi xảy ra tranh chấp thì giải quyết theo pháp luật dân sự.

“Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng nguồn thu không rõ ràng, việc sử dụng sai mục đích, thương mại hóa lễ hội, các cơ quan quản lý nhà nước không giám sát, theo dõi được. Vì thế tôi đề nghị, người đại diện cơ sở tín ngưỡng tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công khai, minh bạch các nguồn thu từ việc tổ chức lễ hội”, ĐB Thúy đề xuất.

Đọc thêm