Tránh “ngăn sông cấm chợ” trong cung cấp thông tin

(PLO) - Quan trọng nhất là người dân được tiếp cận thông tin nào, hạn chế tiếp cận thông tin nào, không được tiếp cận thông tin nào thì phải quy định vào Luật tiếp cận thông tin. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì Luật không có giá trị.
UBTVQH cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tiếp cận thông tin
UBTVQH cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tiếp cận thông tin

Sáng nay (14/1), cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tiếp cận thông tin, UBTVQH vẫn băn khoăn về phạm vi thông tin mà người dân được tiếp cận.

Qua thảo luận tại kỳ họp thứ 10, ĐBQH còn 2 loại ý kiến khác nhau về thông tin được cung cấp. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị mở rộng phạm vi thông tin được cung cấp (cả thông tin tạo ra và thông tin nắm giữ) để thực sự bảo đảm và tạo thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Loại ý kiến thứ hai tán thành với thảo Luật quy định thông tin phải cung cấp là thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra; riêng đối với UBND xã do là đơn vị cơ sở, gắn bó trực tiếp với người dân thì phải cung cấp thông tin do mình tạo ra hoặc thông tin do mình nắm giữ. Đối với cơ quan khác của nhà nước, trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng thì người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình nắm giữ.

Cho biết Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH đưa ra ý kiến “điều quan trọng là cần làm rõ loại thông tin cơ quan nắm giữ; đồng thời, có hình thức, tổ chức, bố trí thực hiện việc cung cấp thông tin cho người dân cho phù hợp nhằm bảo đảm hiệu quả quyền tiếp cận thông tin của công dân”

Nếu quy định chỉ cơ quan tạo ra thông tin mới có trách nhiệm cung cấp thì sẽ hạn chế việc tiếp cận, gây thủ tục phiền hà, tốn kém cho công dân. Ngoài ra, theo bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH, “quy định chính quyền xã phường chỉ cung cấp thông tin cho người cư trú ở đó là vô lý vì “ngăn sông cấm chợ” là không phù hợp với đời sống hiện đại"”.

Bày tỏ quan điểm về phạm vi thông tin được tiếp cận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, “quan trọng nhất là người dân được tiếp cận thông tin nào, hạn chế tiếp cận thông tin nào, không được tiếp cận thông tin nào thì phải quy định vào Luật này. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì Luật tiếp cận thông tin không có giá trị”.

Mong muốn có sự minh bạch, rõ ràng về các loại thông tin trong dự thảo Luật, Chủ tịch QH đề nghị “sắp xếp, rà soát lại chứ “để cửa” cho người ta đóng dấu mật thì làm gì có ý nghĩa nữa”. Cũng theo Chủ tịch QH, “nếu làm không kịp thì kỳ họp tháng 3 tới chưa trình dự án Luật này ra QH”.

Trước băn khoăn của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định sẽ rà soát cụ thể những thông tin nào cần công khai cho người dân. "Những tài liệu đã được giải mật thì công dân được quyền tiếp cận. Còn thông tin bí mật nhà nước cũng có quyền tiếp cận nhưng ở phạm vi hẹp hơn, không phải công dân nào cũng có thể tiếp cận và có những điều kiện phù hợp đi kèm" - Bộ trưởng cho biết.

Ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng Ban Dân nguyện lưu ý, “dự thảo Luật làm sao để mang tính khả thi trong cuộc sống, đề ra mà không làm được thì người dân không có niềm tin”.

Đọc thêm