Trên đầu sóng, không có chữ "sợ" khi đối mặt kẻ thù

(PLO) - Đại úy Lê Trung Thành, thuyền trưởng tàu CSB 4033 và Đại úy Phạm Văn Sơn, thuyền trưởng tàu chiến “Tia chớp” mang tên HQ-375 là 2 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam 2014 với đầy đủ bản lĩnh, sự tinh nhuệ và lòng quả cảm. Họ đã góp phần không nhỏ trong việc tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc cũng như trên mặt trận kinh tế. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thuyền trưởng tàu cảnh sát biển
Thành sinh ra và lớn lên ở TP. Quảng Ngãi. Học hết THPT, Thành chọn con đường binh nghiệp để tiếp bước cha ông. Thành nhập ngũ tháng 9/2001, trong quân ngũ, chàng lính trẻ miệt mài đèn sách, ôn luyện và thi đỗ vào Học viện Hải quân. 
Tốt nghiệp năm 2007, Thành vào nhận công tác tại Vùng 3 Cảnh sát Biển (CSB), đóng quân tại Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Hơn một năm sau, Thành được phân công công tác về đơn vị CSB Vùng 2, Hải đội 201 làm thuyền trưởng tàu 2013, sau đó chuyển sang tàu tuần tra 4033. 
Thành kế tục truyền thống đơn vị, giữ vững danh hiệu Đơn vị quyết thắng 5 năm liên tục, tập thể tàu được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.
Đại úy Lê Trung Thành
Đại úy Lê Trung Thành
Hàng ngày, Thành cùng cán bộ, chiến sĩ điều khiển con tàu đi tuần tra để thực thi pháp luật trên biển, kiên quyết xua đuổi và bắt giữ tàu cá ngư dân nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển, giúp ngư dân Việt Nam yên tâm bám biển. 
Năm 2014, tàu CSB 4033 do Thành làm thuyền trưởng có hành trình trên 10.000 hải lý an toàn. Thành thi thuyền trưởng giỏi đạt giải nhất Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2 và Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam. 
Trong những giây phút cam go nhất, Thành vẫn động viên anh em trên tàu xử lý tốt mọi tình huống. “Đối với tôi, không có từ “sợ” khi đối mặt với kẻ thù. Tôi cũng như các chiến sĩ trên tàu luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Thành nói. 
Ngày 3/5/2014, chỉ 2 ngày sau khi nhận nhiệm vụ ra Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, tàu CSB 4033 của thuyền trưởng Lê Trung Thành đã bị tàu Hải cảnh 44044 của Trung Quốc hung hãn tấn công đâm rách mạn. 
Cú đâm ngang mạnh đến mức mũi tàu Trung Quốc dính cứng luôn vào tàu của ta, mất neo, chết luôn cả ba máy. 
Những ngày tàu CSB 4033 sau chuyến làm nhiệm vụ về sửa chữa ở TP.Đà Nẵng, cách Quảng Ngãi 130km với khoảng ba giờ đi ôtô nhưng Thành vẫn không được về thăm mẹ, gặp người vợ trẻ cùng con gái đầu lòng mới 20 tháng tuổi đang mong đợi. Thậm chí những cuộc gọi điện thoại ngắn ngủi cũng hiếm. 
Thành tâm sự: “Những lúc nhớ vợ con, gia đình, mình lại lấy điện thoại ra đọc những tin nhắn, xem những bức ảnh của gia đình. Vợ tôi thường nhắn tin bảo tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, ở nhà cô ấy sẽ thay tôi chăm sóc bố mẹ và con. Tôi đã có một hậu phương vững chắc để tiếp thêm sức mạnh cho tôi can trường hơn trên đầu sóng ngọn gió ở biển Đông”. 
Nói xong, Thành nở nụ cười tươi trên khuôn mặt rám nắng.
Sau mấy ngày tàu về bờ Đà Nẵng “dưỡng thương”, lại tiếp tục hiên ngang giữa biển trời Hoàng Sa cho đến ngày cuối cùng 16/7/2014, khi Trung Quốc kéo hẳn giàn khoan phi pháp ra khỏi vùng biển Việt Nam. 
Cũng từ tàu CSB 4033, cán bộ chiến sĩ của tàu đã ghi lại được những hình ảnh đầu tiên về cảnh các tàu Trung Quốc hung hãn đâm húc, phun vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, trở thành tư liệu đặc biệt công bố tại cuộc họp báo quốc tế đầu tiên của Bộ Ngoại giao ngay sau đó. 
Những hình ảnh này trở thành bằng chứng không thể chối cãi trước dư luận toàn thế giới về hành vi bạo ngược của Trung Quốc tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Những ngày thuyền trưởng Thành đang thực thi nhiệm vụ CH14 ở Hoàng Sa, cũng là lúc mẹ Thành lâm bệnh ung thư vòm hầu phải vào điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. 
“Những ngày làm nhiệm vụ trên biển, nghĩ đến mẹ là tôi lại không cầm được nước mắt, nhưng tôi không thể về thăm mẹ được vì Tổ quốc, biển đảo đang cần chúng tôi, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền luôn được đặt lên hàng đầu. 
Dù bệnh tật nhưng qua đồng đội mẹ luôn nhắn nhủ tới tôi: “Con hãy yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Chủ quyền biển đảo là thiêng liêng nhất, ở nhà mẹ sẽ cố gắng điều trị thật tốt để con yên tâm công tác”, Thành kể lại.
Với những cố gắng của bản thân, Lê Trung Thành đã đạt nhiều danh hiệu cao quý: Chiến sĩ thi đua năm 2011, 2013; Bằng khen Bộ Quốc phòng, Giấy khen Tổng cục Chính trị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ CH14; Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ CH14; Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2014.
Thuyền trưởng tàu tên lửa
Anh Phạm Văn Sơn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố là bộ đội Hải quân, từ nhỏ anh đã có ước mơ được khoác màu áo lính. Tốt nghiệp THPT, Sơn thi đậu Học viện Hải quân, ngành chỉ huy tàu mặt nước. Ra trường, Sơn được bổ nhiệm là phó thuyền trưởng tàu vận tải quân sự làm nhiệm vụ trực chiến ở đảo và vận tải hàng xây dựng quần đảo Trường Sa. 
Năm 2010, Sơn làm phó thuyền trưởng tàu chiến đấu. Đến năm 2013, anh là thuyền trưởng tàu HQ-375 là lớp tàu chiến tên lửa hiện đại, thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân. 
HQ-375 được mệnh danh là con tàu “Tia chớp” với ưu thế về tốc độ và hỏa lực, tàu chiến hiện đại trong vai trò mũi tấn công chớp nhoáng, hủy diệt các chiến hạm đối phương tầm cỡ tàu hộ vệ tên lửa, tàu khu trục và tuần dương.
Đại úy Phạm Văn Sơn
Đại úy Phạm Văn Sơn
“Qua thực tế công tác và kết quả đã đạt được, tôi rất tâm đắc với câu khẩu hiệu “Động cơ đúng, hành động đúng, hiệu quả cao” trong những năm vừa qua, kế thừa thế hệ đàn anh đi trước, cấp uỷ chỉ huy tàu chúng tôi đã xây dựng tập thể tàu 375 đoàn kết, luôn là lá cờ đầu trong mọi hoạt động của đơn vị, năm 2014 tập thể vinh dự được nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba”, anh Sơn chia sẻ. 
Anh Sơn cho biết, công việc hàng ngày của anh là chỉ huy con tàu làm nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra tàu còn thực hiện các nhiệm vụ như: Đối ngoại quân sự, trinh sát, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, nhiệm vụ đối ngoại quân sự (tàu đã đi thăm Hải quân Malaixia, Campuchia, Singapo, thực hiện nhiệm vụ tuần tra liên hiệp và thăm Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc)… Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. 
Do tính chất công việc đặc thù nên có nhiệm vụ là tàu phải rời bến ngay, kể cả thời tiết phức tạp, sóng to gió lớn. Khó khăn nhất vẫn là nước ngọt và lương thực thực phẩm, nhất là khi nhiệm vụ phát sinh phải duy trì thêm nhiều ngày trên biển xa. 
Có lần tàu nhận nhiệm vụ đột xuất nửa đêm xuất phát ngay, không chuẩn bị kịp thực phẩm. Lần khác thực hiện nhiệm vụ trên biển theo kế hoạch là 7 ngày nhưng thực tế phải tới 15 ngày, nên mấy ngày cuối không còn thực phẩm, cả tàu chỉ ăn cháo. Nhưng anh Sơn và anh em trên tàu luôn động viên nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Đây là con tàu chiến đấu hiện đại, là tài sản to lớn mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho chúng tôi khai thác, sử dụng. Trách nhiệm của tôi cũng như mọi cán bộ, chiến sỹ trên tàu luôn duy trì con tàu sẵn sàng chiến đấu cao, mọi vũ khí trang bị kỹ thuật hoạt động tốt và phát huy hết tính năng, đặc biệt phải vận dụng thành thạo các tính năng kỹ thuật hiện đại với chiến thuật và cách đánh truyền thống của Hải quân của Hải quân Việt Nam”, anh Sơn chia sẻ.
Trên cương vị thuyền trưởng, Đại úy Sơn luôn coi trọng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Anh chia sẻ, học tập tinh thần yêu nước của Bác, là người sỹ quan Hải quân, tôi thể hiện tình yêu biển, đảo, yêu tàu, gắn bó với đơn vị, yên tâm công tác sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng và đơn vị giao cho; luôn sẵn sàng chiến đấu, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, chấp nhận hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Với những cố gắng của mình, Phạm Văn Sơn hai năm liền được nhận danh hiệu thuyền trưởng tàu chiến đấu tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Bằng khen Quân chủng; nhận danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2014./.

Đọc thêm