Tri ân Côn Đảo

Chính ở nơi này, nơi từng là “địa ngục trần gian”, nơi “quân số” người đã khuất nhiều hơn số dân sinh sống trên đảo, nơi nhà tù nhiều hơn nhà dân, chúng tôi đã được tiếp thêm sức mạnh. “Sống có trách nhiệm hơn với đất nước, với sứ mệnh mình đang đảm trách, đó cũng chính là một cách tri ân, đền đáp công lao của thế hệ cha anh đã ngã xuống vì hai tiếng thiêng liêng: Tổ quốc”, Tổng biên tập Đào Văn Hội chia sẻ trong xúc động.

[links()]Chính ở nơi này, nơi từng là “địa ngục trần gian”, nơi “quân số” người đã khuất nhiều hơn số dân sinh sống trên đảo, nơi nhà tù nhiều hơn nhà dân, chúng tôi đã được tiếp thêm sức mạnh. “Sống có trách nhiệm hơn với đất nước, với sứ mệnh mình đang đảm trách, đó cũng chính là một cách tri ân, đền đáp công lao của thế hệ cha anh đã ngã xuống vì hai tiếng thiêng liêng: Tổ quốc”, Tổng biên tập Đào Văn Hội chia sẻ trong xúc động.

Tổng biên tập Đào Văn Hội và thầy hiệu trưởng Đỗ Văn Sơn
Tổng biên tập Đào Văn Hội và thầy Đỗ Văn Sơn hiệu trưởng trường tiểu học Cao Văn Ngọc.

Đã thành một nếp tâm linh, một nét văn hóa của những người làm báo Pháp Luật Việt Nam, cứ mỗi độ tháng 7 về, chúng tôi lại lên đường. Năm nay, sau chuyến hành hương về Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn và Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, đoàn công tác do Tổng Biên tập - TS Đào Văn Hội dẫn đầu tiếp tục hành hương tới một địa danh thiêng liêng – Côn Đảo.

Chúng tôi bước xuống sân bay Cỏ Ống trong niềm xúc động trào dâng khi tận mắt nhìn thấy những hàng dương gieo mình trong gió. Những cây bàng hàng trăm năm tuổi hiện diện khắp nơi trên hòn đảo huyền thoại như chứng nhân lịch sử. Trong suốt chiều dài lịch sử, Côn Đảo là nơi ghi dấu sự đấu tranh bất khuất, kiên cường, ý chí sắt đá của hàng vạn chiến sĩ cộng sản, là trường học lớn, nơi thể hiện khát vọng hòa bình của các thế hệ cha, anh trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước. Và di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo được xem là bàn thờ lớn và thiêng liêng của Tổ quốc. Nghĩa trang Hàng Dương, nơi có hai vạn ngôi mộ chiến sỹ cách mạng là đóa hoa bất tử giữa biển khơi, luôn tỏa hương xuyên suốt mọi thời đại, như nhắc nhở “người còn sống nhớ thương người đã khuất”.

Côn Đảo hôm nay
Côn Đảo hôm nay

Chúng tôi viếng nghĩa trang Hàng Dương, thăm mộ nhà cách mạng yêu nước Nguyễn An Ninh, đồng chí Lê Hồng Phong và mộ Người con gái Anh hùng, chị Võ Thị Sáu trong đêm trăng. Trăng đêm ấy là đêm 17, đẹp như thời con gái của Chị. Trong không gian ấm cúng, tràn ngập hương của những loài hoa bà con khắp nơi dâng lên tỏ lòng ngưỡng mộ người nữ Anh hùng, Tổng biên tập cẩn thận đặt lên những tờ báo Pháp Luật Việt Nam vừa mới in còn thơm mùi mực.   

Đoàn công tác Báo PLVN thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo, ảnh Đức Sơn
Đoàn công tác Báo PLVN thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo

Sau phần lễ, chúng tôi lặng lẽ đi thắp hương cho từng ngôi mộ trong nghĩa trang Hàng Dương. 2000 ngọn nến được thắp lên, trong thanh vắng trang nghiêm, những cơn gió thỉnh thoảng lại ào lên từng đợt, dưới các gốc cây có những chiếc loa nhỏ, giọng cô Kim Tiến rầm rì kể chuyện những người tù, kể chuyện người con gái Đất Đỏ…Có lẽ không có nghĩa trang nào trên thế giới này lại ấm áp về đêm như ở nghĩa trang Hàng Dương bởi mặc cho chiếc đồng hồ thời gian cứ quay dần chuyển đêm về khuya, về sáng, những dòng người vẫn tấp nập tới viếng. Những ngọn nến, những nén tâm nhang liên tục được thắp lên. Không chỉ có những người khách phương xa tới viếng nghĩa trang, tới thăm mộ cô Sáu (cách gọi thân thuộc của người địa phương) là việc thường ngày của người dân sống trên đảo. Quỳnh, nhân viên của resort Sài Gòn- Côn Đảo cho biết đêm nào tan ca em cũng ghé qua nghĩa trang thăm mộ cô Sáu, kể cho cô nghe những chuyện mới trên đảo, về một Côn Đảo đang đổi mới từng ngày…

Đúng là Côn Đảo đang đổi mới mỗi ngày. Chúng tôi cảm nhận rõ nét điều đó trên những con đường uốn cong ven biển, những cảng cá xôn xao mỗi chiều và trong những ngôi trường nhỏ mỗi ngày một đông học sinh hơn. Sáng ngày thứ hai ở Côn Đảo, đoàn Báo Pháp Luật Việt Nam tới thăm và tặng quà cho học sinh, thầy cô giáo trường tiểu học mang tên “người Anh hùng chuồng Cọp”- Cao Văn Ngọc.

Chuyển quà tới trường tiểu học Cao Văn Ngọc - Côn Đảo
Chuyển quà tới trường tiểu học Cao Văn Ngọc - Côn Đảo

Thầy Đỗ Văn Sơn, hiệu trưởng nhà trường cho biết mỗi năm sĩ số học sinh của trường tăng được thêm một lớp và sang năm khi trường xây thêm khu bán trú để học sinh bên khu Cỏ Ống có thể sang trọ học tránh mùa gió chướng thì sĩ số sẽ ổn định hơn nhiều. Lo cho sự học của con em trên đảo- thế hệ thứ hai ở Côn Đảo kể từ sau 1975 là một chủ trương được ngành giáo dục Bà Rịa- Vũng Tàu dồn nhiều tâm huyết. Nơi này, thầy Đỗ Văn Sơn cùng nhiều thầy cô khác chủ động đi tìm trẻ và đưa trẻ tới trường. “Những em theo bố mẹ từ đất liền ra đảo, đi bán vé số, không đi học là nhà trường biết liền”, thầy Sơn cho hay. Nhà trường cũng chủ động cho học sinh học tiếng Anh miễn phí để chuẩn bị cho một tương lai của Côn Đảo – trở thành một thiên đường du lịch -.

Đoàn công tác báo PLVN và thế hệ thứ 2 của Côn Đảo, những em học sinh ngoan, học giỏi của trường tiểu học Cao Văn Ngọc
Đoàn công tác báo PLVN và thế hệ thứ 2 của Côn Đảo, những em học sinh ngoan, học giỏi của trường tiểu học Cao Văn Ngọc

Côn Đảo đang và sẽ trở thành một thiên đường nghỉ dưỡng trong tương lai rất gần bởi những tiềm năng sẵn có và một quá khứ hào hùng trong lịch sử dân tộc. Khách du lịch đến với Côn Đảo không chỉ để tận hưởng kỳ nghỉ tuyệt vời với biển xanh thẳm, bờ cát trắng dài hàng km. Chính ở nơi này, nơi từng là “địa ngục trần gian”, nơi “quân số” người đã khuất nhiều hơn số dân sinh sống trên đảo, nơi nhà tù nhiều hơn nhà dân, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh.  “Đến Côn Đảo, chứng kiến ý chí quật cường, bất khuất, của thế hệ cha anh, mỗi chúng ta nhận thấy phải sống có trách nhiệm hơn với đất nước, với sứ mệnh mình đang đảm trách. Đó cũng chính là một cách tri ân, đền đáp công lao của thế hệ cha anh đã ngã xuống vì hai tiếng thiêng liêng: Tổ quốc”,  Tổng biên tập Đào Văn Hội chia sẻ trong xúc động.

Chuyến hành hương, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc nhân ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7/2013 của Báo Pháp luật Việt Nam đã thành công tốt đẹp.

Báo Pháp luật Việt Nam bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới các cơ quan, đơn vị: Hội Công chứng Hà Nội; Văn phòng Công chứng A1; Văn phòng Công chứng Lạc Việt; Văn phòng Công chứng Phúc Thọ; Sở Tư pháp Hà Nội; Cty CP Đầu tư Đèo Cả; Cty Nutifood; Cty dịch vụ viễn thông (VinaPhone); Eurowindouw; Chi nhánh Vietcombank Thủ Đức (TPHCM); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam;  Cảng vụ Vũng Tàu – Cục Hàng hải Việt Nam; TCty Bia - rượu- nước giải giát (Habeco); Cty CP Đầu tư XD&TM Phú Điền; Cty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi(Khu Công nghiệp Thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định; Văn phòng đại diện: 124, B4 Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội); Tienphongbank; Cienco4… đã ủng hộ, giúp đỡ, đồng hành cùng Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức thành công chuyến hành hương nhiều ý nghĩa này.

Bài: Anh Phương, ảnh: Đức Sơn

Đọc thêm