Triển khai Chính phủ điện tử và cải cách TTHC: Địa phương chưa làm tốt, cần tự đánh giá lại

(PLVN) - Ngày 29/8, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương về tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Chính phủ điện tử (CPĐT) và cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
Toàn cảnh buổi kiểm tra
Toàn cảnh buổi kiểm tra

Hướng tới một Chính phủ phi giấy tờ

Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc xây dựng CPĐT giải quyết 4 mối quan hệ: Chính phủ với người dân; Chính phủ với bộ, ngành, địa phương; Chính phủ với cán bộ, công chức trong Chính phủ; Chính phủ với doanh nghiệp. Theo đó, việc cải cách TTHC đã được các địa phương làm quyết liệt và rất tốt.

“Sự vào cuộc của cấp ủy của nhiều chính quyền địa phương mạnh mẽ, có thể nói chưa bao giờ được như hiện nay”- Bộ trưởng Dũng nói, đồng thời cho biết: Từ đầu năm, Thủ tướng đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, như Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 17/NQ-CP về CPĐT.

Ngay sau đó, ngày 22/3, chúng ta đã khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia và trong tháng 6 đã khai trương hệ thống E-Cabinet…  hướng tới một Chính phủ phi giấy tờ.

Về cải cách TTHC, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tổ công tác có trách nhiệm rà soát các nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho địa phương, không để nhiệm vụ nào không hoàn thành và phải hoàn thành về chất lượng và tiến độ. Tuy nhiên, theo ông Dũng, chúng ta vẫn còn nhiều bất cập.

Ví dụ nhiều địa phương chưa dùng chữ ký số, hồ sơ giấy tờ không trên nền điện tử, vẫn dùng giấy gây tốn kém, khó khăn. “Chúng ta phải công khai hóa dịch vụ công cấp độ 1, 2, 3, 4 để tạo hồ sơ trực tuyến tiếp nhận, thẩm định, trả hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp để làm sao mất ít thời gian nhất.”, ông Dũng nhấn mạnh.

Báo cáo tổng hợp tình hình của các địa phương, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính- Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan cho biết, cho đến nay 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính  phủ điện tử, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và 56/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai.

Các địa phương bắt đầu triển khai Nền tảng Chính quyền điện tử và đã hoàn thành việc kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để triển khai gửi, nhận văn bản điện tử.

Từ ngày 12/3 đến 20/8, đã có hơn 86.000 văn bản gửi và hơn 263.000 văn bản nhận qua trục liên thông. Đáng chú ý, hầu hết trong số 353 TTHC đã được các địa phương triển khai cung cấp trực tuyến theo quyết định của Thủ tướng,… Một số địa phương có số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 khá cao.

Bên cạnh những kết quả trên, theo ông Ngô Hải Phan, có đến 5/8 địa phương chưa ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử, gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương.

Tỷ lệ văn bản ký số trên tổng số văn bản điện tử gửi đến Văn phòng Chính phủ của một số địa phương chưa cao: Vĩnh Phúc chỉ được 17,9%, Hải Dương được 35,5%. Cùng với đó, nhiều địa phương chưa hoàn thành việc thành lập, kiện toàn bộ phận một cửa, dù thời hạn là quý IV/2018, như Hải Phòng chưa thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Thái Nguyên mới phê duyệt đề án thành lập trung tâm này. Bắc Giang vẫn chưa xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến tập trung, duy nhất.

Cần có chế tài và cơ chế giám sát 

Tại buổi kiểm tra, đại diện các địa phương bày tỏ băn khoăn việc thu hút nhân tài công nghệ thông tin trong xây dựng Chính phủ điện tử khi mà chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế, mức đãi ngộ thấp. Cùng với đó là nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; hạ tầng chưa đồng bộ. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Vũ Tiến Lộc cho rằng, vấn đề cốt lõi của chúng ta hiện nay là cải cách TTHC chứ không phải vấn đề công nghệ.. “Việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử là yếu tố cốt lõi để chúng ta thành công và đây là điều quyết định năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Lộc nói.  

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: “Khó khăn, vướng mắc là rất nhiều theo phản ánh của các địa phương và chúng tôi thấy cũng hoàn toàn xác đáng. Tuy nhiên, cùng trong môi trường như thế nhưng nhiều địa phương làm rất tốt, có nơi lại làm chưa tốt, nên phải suy nghĩ xem cách làm thế nào”. Đặc biệt, các địa phương không thể vì các lý do như bảo mật, an ninh, an toàn để không cải cách. 

Xem xét tính an toàn khi dùng Zalo làm dịch vụ công trực tuyến

Đánh giá Báo cáo của bà Nguyễn Thị Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, khi triển khai chế độ "một cửa", Bắc Giang đã dùng ứng dụng Zalo để công khai TTHC và hướng dẫn TTHC cho người dân.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý các địa phương cần đặc biệt quan tâm vấn đề đảm bảo an toàn thông tin. Theo ông Dũng, Văn phòng Chính phủ sẽ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá về tính an toàn, bảo mật của Zalo.

Đọc thêm