Triều Tiên "phải lĩnh hậu quả" trước "tiếng gầm của bom nhiệt hạch"?

(PLO) - Việc Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) đã tạo ra những làn sớng trái chiều. Trong khi cộng đồng thế giới tỏ ra lo ngại và cho rằng Triều Tiên “cần phải lĩnh hậu quả”, thì người dân Triều Tiên lại rất hân hoan và tỏ ra “nhẹ nhõm”…
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Thế giới quan ngại
Động thái tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch của Bình Nhưỡng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gọi cuộc thử bom mới nhất là mối đe dọa với an ninh Nhật, đồng thời cho rằng Tokyo hoàn toàn không thể khoan nhượng trước vụ việc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Hàn hôm qua (6/1) điện đàm, nhất trí Triều Tiên "cần phải lĩnh hậu quả" sau cuộc thử nghiệm hạt nhân bất ngờ.
"Bộ trưởng Carter tái khẳng định cam kết sắt đá của Mỹ với việc phòng thủ cho Hàn Quốc, và cam kết này bao gồm mọi khía cạnh của của việc ngăn chặn mở rộng của Mỹ", AFP dẫn Lầu Năm Góc cho biết về cuộc điện đàm hôm qua giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Hàn Quốc Han Min-koo.
Ông Carter và Han nhất trí sự khiêu khích của Triều Tiên cần gánh chịu hậu quả, thông cáo cho biết thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái tới Seoul và khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên. Ông đã gặp ông Han và tái khẳng định sự ủng hộ lâu dài của Mỹ với Hàn Quốc.
Khoảng 28.500 lính Mỹ đang đóng quân ở Hàn Quốc và hai lực lượng có quan hệ quân sự gắn bó chặt chẽ.
Trong cuộc điện đàm hôm qua, hai bộ trưởng "cam kết cả hai bên sẽ phối hợp phản ứng liên minh một cách phù hợp đối với những khiêu khích này".
"Bộ trưởng Carter và Bộ trưởng Han nhất trí bất cứ cuộc thử nghiệm nào sẽ là sự khiêu khích vô trách nhiệm và không thể chấp nhận được, và là sự vi phạm trắng trợn luật quốc tế, mối đe dọa với hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương", thông cáo cho hay.
 
Về phía Nga, "Moscow vô cùng quan ngại trước thông tin Triều Tiên tiến hành thử nghiệm bom nhiệt hạch (bom H)", Sputnik dẫn lời ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, nói.
"Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh cho các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ lưỡng dữ liệu từ tất cả những trạm đo đạc, trong đó có cả trạm địa chấn, và phân tích tình hình để xác minh liệu Triều Tiên có thật sự thử bom nhiệt hạch hay không", ông Peskov cho biết thêm.
Người dân Triều Tiên vui mừng
Trong khi đó, rước một màn hình lớn bên ngoài nhà ga trung tâm ở thủ đô Bình Nhưỡng, nhiều người dân Triều Tiên tập trung để theo dõi bản tin về việc nước này lần đầu tiên trong lịch sử thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch, theo Independent.
Vài người chụp ảnh, quay phim để lưu lại khoảnh khắc quan trọng vào điện thoại di động của mình trong khi một số người khác reo hò, vỗ tay không ngớt.
Kim Sok Chol, 32 tuổi, là một người trong đám đông đứng theo dõi bản tin. Kim cho hay anh thực sự không biết bom nhiệt hạch là gì nhưng theo anh, vì Triều Tiên sở hữu bom nhiệt hạch nên từ nay sẽ không phải lo sợ bị Mỹ tấn công nữa. Đối với Kim, đây là "sự kiện trọng đại của quốc gia".
Ri Sol Yong, sinh viên đại học, 22 tuổi, thì cho biết cuộc thử nghiệm mang đến "niềm tự hào dân tộc". "Vì chúng tôi là một quốc gia mạnh về vũ khí hạt nhân nên tôi có thể đi học mà không phải lo lắng về bất cứ điều gì", Ri nói.
 
"Sảng khoái" hay "nhẹ nhõm" là tâm trạng mà đa phần những người đứng xem bản tin chia sẻ khi được phóng viên của các hãng thông tấn nước ngoài đặt câu hỏi.
Vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên được cho là đã tạo ra một trận động đất mạnh 5,1 độ richter. Triều Tiên tuyên bố lý do thử nghiệm bom nhiệt hạch là để tự vệ trước Mỹ và đây là quyền hợp pháp của nước này.
Trong bản tin ngày 6/1, đài truyền hình quốc gia Triều TiênTriều Tiên công bố một sắc lệnh do chính nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký vào ngày 15/12, cho phép Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân mới nhất.
"Hãy bắt đầu năm 2016 bằng tiếng gầm dữ dội của quả bom nhiệt hạch đầu tiên, để cả thế giới phải ngước nhìn quốc gia hạt nhân và đảng Lao động Triều Tiên vĩ đại của chúng ta", ông Kim viết tay bên cạnh chữ ký của mình trong sắc lệnh.

Đọc thêm