Trong 10 năm xây dựng được hơn 900.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”

(PLVN) - Sáng nay (11/10), tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2020), Ban Dân vận Trung ương cũng tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành dân vận; tuyên tương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc và trao giải Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017-2020.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại buổi lễ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại buổi lễ.

Nhân dịp này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao Bằng khen của Ban Dân vận Trung ương cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2020.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định những thành tựu của Đảng ta 90 năm qua có sự đóng góp to lớn, quan trọng của công tác dân vận của Đảng và cả hệ thống chính trị. Chúng ta đã phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân, dựa vào dân, tin ở dân, gắn bó với dân, vận động, tập hợp, tổ chức và hướng dẫn quần chúng nhân dân theo lời Bác dạy: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”.

Trân trọng ghi nhận thành tích xuất sắc của hơn 900.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong 10 năm qua, đồng chí Trần Quốc Vượng cho biết, đây là những tập thể, cá nhân điển hình, có nhiều thành tích vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

Giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng nông thôn mới; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn xã hội; vận động nhân dân tham gia bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… ở các địa phương, đơn vị.

Để công tác dân vận thời gian tới đạt kết quả cao, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tích cực góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về vai trò quan trọng của công tác dân vận; về mối quan hệ gắn bó, máu thịt giữa Đảng với nhân dân; công tác dân vận là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị tiếp tục khẳng định, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, thực chất là tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đồng thời động viên, tổ chức nhân dân tham gia vào quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách hiệu quả; tuân thủ cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”.

Theo Thường trực Ban Bí thư, dân vận là công việc gian nan, hiệu quả khó định lượng, liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, nhất là trong bối cảnh dân trí ngày một cao hơn, vì thế, mỗi cán bộ dân vận phải kiên trì, không nóng vội, chủ quan, phải nhiệt tình, trách nhiệm, say mê với công việc. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải thực sự quan tâm, tạo mọi điều kiện để tiến hành công tác dân vận; chú trọng, kịp thời khen thưởng, tuyên truyền, nhân rộng các tấm gương cá nhân điển hình, có thành tích trong công tác dân vận, nhất là ở cấp cơ sở.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho biết , thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động từ năm 2009 đã trở thành trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước ngành dân vận, được cấp ủy, hệ thống chính trị tích cực hưởng ứng, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Công tác dân vận đã gắn liền với trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, không chỉ nâng cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng hình ảnh gương mẫu trước nhân dân mà quan trọng hơn đó là sự thực tâm, thực lòng chăm lo cuộc sống nhân dân, trên cơ sở đó tạo đồng thuận trong nhân dân.

Thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, tác động đến quá trình phát triển đất nước và cuộc sống của nhân dân, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, công tác dân vận phải tiếp tục được đổi mới, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, chung sức, chung lòng cho những mục tiêu chung của đất nước.

Bên cạnh đó, công tác dân vận cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, tạo đồng thuận xã hội, đảm bảo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030); trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước (2045).

Đọc thêm