Trọng chứng hơn trọng cung để tránh oan, sai

(PLO) - 85,34% Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chiều qua biểu quyết thông qua Nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm (PCTP) với yêu cầu: “Phải tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, tham nhũng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”.
Trọng chứng hơn trọng cung để tránh oan, sai
Địa phương không được để tội phạm lộng hành
Nhiều ĐBQH đã bày tỏ lo ngại về tình trạng có dấu hiệu “bảo kê” tội phạm tại một số địa bàn thời gian qua nên Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu:  “Người đứng đầu chính quyền và cơ quan công an các địa phương phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn; không để xảy ra tội phạm lộng hành, các trường hợp bao che tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; không để hình thành các tụ điểm cờ bạc, ma túy, mại dâm gây bức xúc trong dư luận”.
Đặc biệt trước những dư chấn của các vụ án oan, sai, nhất là vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu cơ quan điều tra, Điều tra viên phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về điều tra; nâng cao chất lượng công tác điều tra; trọng chứng hơn trọng cung; không được bức cung, dùng nhục hình; tăng cường các biện pháp chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội...
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và trong lĩnh vực quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm kinh tế, tham nhũng, thu hồi tiền và tài sản bị chiếm đoạt. Người đứng đầu, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng. 
Hạn chế thấp nhất tỷ lệ án bị  hủy, sửa
Nghị quyết của Quốc hội giao VKSNDTC chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt quyền công tố, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp trong suốt quá trình tố tụng; chủ động, tích cực đề ra yêu cầu điều tra, yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can, chống lạm dụng việc bắt khẩn cấp, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, chủ động tham gia xét hỏi, luận tội có căn cứ thuyết phục, đối đáp đầy đủ ý kiến của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác; việc đề nghị Tòa án áp dụng hình phạt nhẹ, cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ phải đúng quy định pháp luật; kiên quyết kháng nghị yêu cầu Tòa án xét xử nghiêm minh các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng.
TANDTC hướng dẫn Tòa án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật, xét xử nghiêm minh các vụ án hình sự, không kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; triệt để khắc phục tình trạng lạm dụng các tình tiết giảm nhẹ để quyết định hình phạt nhẹ, cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ không đúng quy định pháp luật; hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan…

Đọc thêm