Trụ cầu Vĩnh Tuy nứt không phải do co ngót bê tông?

(PLO) - Kết luận ban đầu là do co ngót bê tông nên mới dẫn đến tình trạng vết nứt kéo dài 10m tại trụ cầu Vĩnh Tuy, nhiều chuyên gia cho biết nhận định như vậy là hơi vội vàng và thiếu cơ sở…
Vết nứt dài 10m xuất hiện trên trụ cây cầu huyết mạch bắc qua sông Hồng khiến người dân lo lắng
Vết nứt dài 10m xuất hiện trên trụ cây cầu huyết mạch bắc qua sông Hồng khiến người dân lo lắng
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, tại trụ cầu Vĩnh Tuy ký hiệu H22 xuất hiện vết nứt kéo dài 10m, độ rộng ước chừng hơn 2mm. Một số người dân sống gần cây cầu này cho hay, vết nứt tại trụ cây cầu nghìn tỷ này đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên không thấy cơ quan chức năng cũng như đơn vị thi công đến “hàn gắn” lại.
Ngày 19/2, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã cử đoàn kiểm tra xuống hiện trường để ghi nhận sự việc. Báo cáo gửi Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, vị trí nứt nằm ở dọc trụ cầu H22, độ rộng vết nứt từ 2,3 – 2,6mm, chiều dài vết nứt từ điểm tiếp giáp đất lên trên trụ khoảng 10m.
Theo Sở GTVT Hà Nội, nguyên nhân của sự cố nói trên có thể bắt nguồn từ sự co ngót bê tông. Sở GTVT Hà Nội cũng khuyến cáo với tình trạng như trên thì “cần phải theo dõi”.
Trả lời Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Quang Tuýnh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long (đơn vị thi công dự án) khẳng định: “Chúng tôi thi công theo hồ sơ thiết kế và các quy trình”.
Nói về nguyên nhân sự cố, ông Tuýnh cho hay: “Bây giờ phải chờ cơ quan chức năng kiểm định, kiểm tra lại”. Cũng theo vị này, ngoài vết nứt tại trụ H22, đơn vị thi công đã đi kiểm tra các trụ khác cũng như dầm cầu nhưng chưa phát hiện thêm vết nứt nào.
Sao không nứt trụ khác? 
Trong khi đó, theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sĩ Liêm, nếu như Sở GTVT Hà Nội kết luận nguyên nhân ban đầu gây ra sự cố tại trụ H22 là do co ngót bê tông thì “cần phải xem xét lại”. Ông Liêm đặt câu hỏi tại sao vết nứt do co ngót bê tông chỉ xảy ra ở trụ H22, còn các trụ khác thi công cùng thời điểm nhưng không bị vấn đề gì?  
Theo nhận định của ông Liêm, vết nứt của bê tông thường có hai nguyên nhân. Có thể do nguyên nhân chịu lực kém mà gây ra nứt. Cũng có thể việc xuất hiện vết nứt là  do chất lượng của xi măng hoặc là cấp phối bê tông không đảm bảo.
Trước đó, ngành giao thông đã phải đau đầu với những vệt hằn lún bánh xe trên các tuyến quốc lộ. Theo kết luận ban đầu được đưa ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sử dụng vật liệu trôi nổi. Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thì kết quả kiểm tra các mẫu tại hiện trường cho thấy việc kiểm soát vật liệu đầu vào thiếu chặt chẽ, công nghệ thi công chưa phù hợp; hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu còn nhiều hạn chế.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho biết, kết luận của Sở GTVT Hà Nội với một công trình quy mô lớn như trên là quá sơ sài. Những người này cho biết, cần phải làm rõ các vết nứt này đã vào đến cốt thép hay chưa; cần phải xem lại hồ sơ tư vấn thiết kế, quá trình thi công cũng như mẫu thí nghiệm để tìm ra nguyên nhân thực sự, nếu xác định được lỗi của đơn vị nào thì cần phải có biện pháp xử lý trách nhiệm. 
Dự án cầu Cầu Vĩnh Tuy có chiều dài tuyến chính gồm cầu vượt sông và đường hai đầu cầu khoảng 5.800m, trong đó chiều dài cầu vượt sông Hồng là 3.700m. Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long được UBND TP.Hà Nội chỉ định thi công gói thầu số 12 với tổng giá trị hợp đồng là 302 tỷ đồng.
Đơn vị thi công sử dụng vật liệu của ai?
Cho đến nay, sau sự cố xảy ra, câu hỏi về vật liệu xây dựng tại trụ cầu H22 của Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long vẫn được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi, ngành giao thông từng đối mặt với hàng loạt sự cố trên các tuyến quốc lộ, mà nguyên nhân được Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đưa ra là do sử dụng vật liệu trôi nổi.

Đọc thêm