Trung Quốc lần đầu có luật chống khủng bố

(PLO) - Ngày 27/12/2015, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua dự luật chống khủng bố đầu tiên của nước này. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm giải quyết vấn nạn khủng bố trong nước cũng như giúp duy trì an ninh thế giới.
Lực lượng phản ứng nhanh của Trung Quốc ở Tân Cương
Lực lượng phản ứng nhanh của Trung Quốc ở Tân Cương
Sự kiện này cho thấy cuộc chiến chống khủng bố không phải là vấn đề của riêng một quốc gia hay một châu lục nào mà đã trở thành thách thức hàng đầu của toàn thế giới. 
Dự luật chống khủng bố đầu tiên
Dự luật chống khủng bố đầu tiên của Trung Quốc được thông qua trong phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 18 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa 12 kéo dài một tuần.
Theo luật chống khủng bố mới, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) sẽ được phép tham gia các chiến dịch chống khủng bố ở nước ngoài. Như vậy, PLA và các lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc có thể thực hiện các sứ mệnh chống khủng bố ở nước ngoài nếu được Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) chấp thuận. 
Giới chức công an và an ninh quốc gia cũng có thể cử người ra nước ngoài tham gia các sứ mệnh chống khủng bố, song cần phải được Quốc vụ viện cho phép cùng với các thỏa thuận được ký kết với những nước hữu quan. Luật mới quy định các bộ, ngành liên quan, nếu được Quốc vụ viện cho phép, có thể hợp tác với các chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế trong việc tổ chức các cuộc đối thoại chính sách, công tác liên lạc về thông tin tình báo và thi hành luật. 
Dự luật cũng nêu rõ không một tổ chức hoặc cá nhân nào được truyền bá và hư cấu thông tin về các sự kiện khủng bố giả mạo, cung cấp thông tin về các hoạt động khủng bố một cách quá chi tiết để tránh trường hợp bắt chước; không đăng tải các cảnh tượng man rợ, vô nhân đạo trong các cuộc tấn công khủng bố; khi không được phép, các hãng truyền thông không đăng tải các thông tin cá nhân của các nhân chứng tại hiện trường, của con tin hay của các quan chức có chức năng giải quyết vụ việc. Dự luật trên cũng siết chặt kiểm soát việc các cá nhân đăng tải thông tin liên quan tới khủng bố trên các trang mạng xã hội.
Trước đó, ngày 21/12, Hội nghị lần thứ 18 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa 12 đã phân tổ họp, xem xét, thảo luận dự luật chống khủng bố trên. Trong cuộc thảo luận, khái niệm “khủng bố” được định nghĩa là mọi ý kiến hay hành động nhằm mưu đồ chính trị và hệ tư tưởng, thông qua bạo lực, hăm dọa, gây hoang mang trong xã hội, phá hoại an ninh công cộng, xâm phạm quyền và tài sản cá nhân và đe dọa các tổ chức chính phủ và quốc tế.
Tại cuộc thảo luận, các đại biểu nhất trí rằng chủ nghĩa khủng bố đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình và phát triển trên thế giới và là kẻ thù chung của toàn nhân loại. Hiện nay, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Trung Quốc và thế giới rất phức tạp, do vậy kịp thời ban hành luật chống khủng bố là rất cần thiết đối với việc bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh công cộng, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; thể hiện Trung Quốc là một nước có trách nhiệm. 
Các đại biểu cho rằng dự thảo luật chống khủng bố xuất phát từ thực tế tổng kết kinh nghiệm đấu tranh phòng chống các hoạt động khủng bố những năm gần đây, nghiên cứu học tập một số biện pháp hiệu quả của nước ngoài trong công tác chống khủng bố.
Hiện trường một vụ khủng bố ở Trung Quốc
Hiện trường một vụ khủng bố ở Trung Quốc 
Thể chế nới rộng
Theo tờ “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” phiên bản tiếng Anh phát hành tại Hong Kong ngày 27/12, Bắc Kinh sẽ mở rộng bộ máy chống khủng bố và các hãng công nghệ phải cài đặt “cổng hậu” trong các sản phẩm và giải pháp bán cho khách hàng, hoặc chuyển giao các thông tin nhạy cảm như khóa mã hóa cho chính quyền sở tại để đáp ứng nhu cầu của các cơ quan an ninh. 
Một số nhà phê bình cho rằng bộ luật trên sẽ đe dọa vấn đề tự do ngôn luận và quyền sở hữu trí tuệ. Ông Li Shouwei - Phó ban Luật Hình sự thuộc Ủy ban Các vấn đề về pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc - cho biết, những yêu cầu tương tự đã được đặt ra ở các nước khác. Ông nói: “Quy định này phù hợp với nhu cầu thực tế nhằm đấu tranh chống khủng bố, và về cơ bản chúng cũng giống những quy định ở các nước khác trên thế giới”. 
Việc thông qua bộ luật này diễn ra trong bối cảnh quan ngại ngày càng gia tăng về các vụ bạo lực ở Tân Cương và những báo cáo về tình trạng người Duy Ngô Nhĩ đến Syria để tham chiến với các phần tử thuộc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS). 
Trung Quốc trước đó chưa từng có một Bộ luật chi tiết về chống khủng bố, cho dù các điều khoản liên quan cũng nằm trong Luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự và Luật Phản ứng Khẩn cấp. Các chuyên gia cho rằng bộ luật có thể trao cho các cơ quan an ninh một lời giải thích hợp pháp và rõ ràng về phạm vi mà họ có thể thực thi quyền hạn của mình. 
Chuyên gia phân tích Lý Vĩ thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại của Trung Quốc nhận định: “Với khung hợp pháp lớn hơn, công tác phối hợp và lập kế hoạch chống khủng bố ở Trung Quốc có thể được cải thiện”. 
Trong khi đó, Đại tá về hưu Nhạc Cương cho biết quân đội sẽ tham gia các phái bộ ở nước ngoài nếu xuất hiện các nguy cơ ở các quốc gia khác ảnh hưởng đến Trung Quốc. Ông Nhạc Cương nói: “Tuy nhiên, chúng ta nên hành động làm sao để tránh ảnh hưởng đến chủ quyền của các nước khác”. 
Còn Rohan Gunaratna - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Bạo lực Chính trị và Khủng bố thuộc Trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) - cho rằng, Trung Quốc đang đối mặt với một nguy cơ lớn từ khủng bố. Ông Gunaratna nói: “Bộ luật trên được tạo ra nhằm đề phòng nguy cơ đang gia tăng và xử lý các nguy cơ hiện tại”. 
Theo chuyên gia này, Trung Quốc nên tham gia các hành động quân sự chống IS, cải thiện năng lực nội địa để đấu tranh chống khủng bố và xây dựng quan hệ gần gũi với cộng đồng người Hồi giáo trong nước. 
Trước đó, Đạo luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc được thông qua hồi tháng 7/2015 đã yêu cầu tất cả hạ tầng mạng và hệ thống thông tin phải “an toàn và có thể kiểm soát được” trong bối cảnh các mối lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ khủng bố tại nước này.
Một đơn vị chống khủng bố của Trung Quốc đang luyện tập
Một đơn vị chống khủng bố của Trung Quốc đang luyện tập 
Thách thức toàn cầu
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama trong khi trả lời phỏng vấn ngày 12/11 đã khẳng định sự tồn tại của IS trong lòng Trung Đông, thì không ngờ chỉ sau đó một ngày, cả thế giới bàng hoàng khi IS tấn công cùng lúc 4 địa điểm ở thủ đô Paris nước Pháp khiến 130 người thiệt mạng. Thực tế, hoạt động của IS đã diễn ra từ trước đó rất lâu. 
Hồi tháng 7, một kẻ đánh bom liều chết đã sát hại 33 người ở Suruc, Thổ Nhĩ Kỳ, cách không xa biên giới Syria. Ba tháng sau, hai kẻ đánh bom tự sát đã khiến 120 người thiệt mạng trong một cuộc diễu hành hòa bình ở Ankara. Ngày 31/10, một máy bay chở khách của Nga đã phát nổ trên vùng trời Ai Cập làm toàn bộ 224 người thiệt mạng. 
Đông Nam Á cũng đối mặt với khả năng những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ hành động nhằm đòi quyền tự trị tại một số tỉnh miền nam Thái Lan, Philippines và Malaysia. Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia đã phải lên tiếng cảnh báo quốc gia này đang trở thành mục tiêu tấn công của IS. Rõ ràng, những cuộc tấn công của IS đã buộc thế giới phải nhìn nhận lại cuộc chiến chống khủng bố. 
Ngay trước thềm năm mới 2016, câu hỏi về sự tồn tại của IS đã được đặt ra. Mặc dù cứ điểm của tổ chức này chỉ cụm lại trong không gian giữa Syria và Iraq nhưng những chiếc “vòi bạch tuộc” của nó đã vươn ra khắp thế giới. Tính chất nghiêm trọng và quy mô của các cuộc tấn công khủng bố đã buộc các nhà lãnh đạo quốc gia ý thức về “một cuộc chiến” đang phải đương đầu. Một cuộc chiến không chiến tuyến, với một đối thủ có thể gieo rắc chết chóc ở bất cứ đâu, vào bất kỳ lúc nào.
Trong bối cảnh như vậy, các nỗ lực quốc tế chống IS đang được mở rộng. Nước Nga tỏ ra quyết đoán khi liên tiếp mở chiến dịch không kích ồ ạt IS ở Syria. Hành động được cho là bất ngờ của Nga đã mang lại hiệu quả lớn khi được chính phủ và nhân dân Syria hậu thuẫn. Hành động trên chiến trường cùng sự hợp tác của Moskva với cả phe đối lập đã khiến IS ngày càng bị cô lập. 
Vụ khủng bố đẫm máu ở Paris dường như đã trở thành chất xúc tác hối thúc Tổng thống Obama bắt tay với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, tạm gác qua một bên các bất đồng để bàn thảo về triển vọng chống IS. Sự thống nhất giữa Mỹ và Nga được cho là sẽ tạo ra xung lực mạnh cho cuộc chiến chống IS. Cục diện thay đổi nhanh chóng hơn sau khi Pháp đẩy mạnh chiến dịch không kích IS. Đức và Anh cũng đã quyết định tham chiến. 
Ngoài ra, Saudi Arabia cũng đã tuyên bố thành lập một liên minh quân sự Hồi giáo chống chủ nghĩa khủng bố với mục tiêu bảo vệ các quốc gia Hồi giáo khỏi các tổ chức và các nhóm khủng bố đang ngày càng trở nên nguy hiểm, trong đó có IS. Rõ ràng, vòng vây đang ngày càng khép chặt với IS và tổ chức khủng bố này đã bị đẩy lùi ở không ít mặt trận.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng mong muốn các nước tạm thời gác lại mâu thuẫn để tìm tiếng nói chung trong cuộc chiến chống IS chưa bao giờ dễ dàng. Năm 2015 sắp khép lại, song thách thức về nguy cơ khủng bố vẫn đang đè nặng lên vai các nhà lãnh đạo. Để giải quyết mối đe dọa đang trở thành hiểm họa chung, đòi hỏi một giải pháp tổng thể với sự chung tay, hợp sức trên phạm vi toàn cầu. Với việc Trung Quốc thông qua dự luật chống khủng bố đầu tiên, các nỗ lực chống khủng bố lại có thêm một đồng minh quan trọng.

Đọc thêm