Trước khi về hưu cấp tập nhận vào biên chế hàng trăm người

(PLO) - “Trách nhiệm của người đứng đầu có đủ bản lĩnh để vượt qua thách thức, nể nang, tình cảm cá nhân hay không? Người đứng đầu phải lấy việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức làm mục tiêu để có thể thực hiện khách quan, công bằng, công tâm”.
Trước khi về hưu cấp tập nhận vào biên chế hàng trăm người

Thứ trưởng Bộ Nội Vụ  Trần Anh Tuấn nhấn mạnh sau khi có ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng “40 người dân Việt Nam đang phải nuôi một công chức”.

Tinh giản trước, dôi dư sau

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, dựa trên tỷ lệ tối thiểu 10% mà Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị chỉ ra, Bộ Nội vụ xác định tinh giản 15% từ năm 2015 đến năm 2021 (không bao gồm những người nghỉ hưu), phấn đấu nâng cao chất lượng công chức. Tỷ lệ tinh giản này là những người không đáp ứng yêu cầu công vụ, không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ sức khỏe...

Trong 6 tháng đầu năm 2016, có 10 bộ, ngành và 35 địa phương đề nghị giải quyết tinh giản biên chế với gần 3.750 người, trong đó trên 3.700 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, gần 480 người hưởng chính sách thôi việc ngay; 2 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đã đi học và 3 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Vấn đề đặt ra là tại sao hàng năm có tinh giản nhưng sau đó lại tiếp tục dôi thừa số cán bộ công chức “ăn không ngồi rồi” gây lãng phí tiền của Nhà nước?, Trên thực tế không thiếu những cán bộ cao cấp trước khi về hưu đã cấp tập nhận vào biên chế hàng trăm người. Đó chính là dấu hiệu không minh bạch của việc tuyển dụng mà dư luận vẫn quen gọi “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.

Thể hiện trách nhiệm người đứng đầu

Mới đây, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng cho hay, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới có hiệu lực, qua rà soát toàn tỉnh Thanh Hóa đang dôi dư tới 161 chức danh Phó Chủ tịch xã, Phó Chủ tịch phường. Tương tự, “người hàng xóm” là Nghệ An cũng đang dư thừa 179 Phó Chủ tịch xã. Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý, tuyển dụng cán bộ chưa có sự thống nhất, chưa kiểm định được chất lượng cán bộ, tuyển dụng tràn lan không có lộ trình.

Theo Bộ Nội vụ, tinh giản cán bộ sẽ dựa vào kết quả đánh giá, phân loại công chức của các đơn vị trong những năm vừa qua, từ đó xác định được năng lực cũng như những người không hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó sẽ căn cứ vào quy định của Trung ương là tỷ lệ tối thiểu phải tinh giản từ 10% trở lên.

Nhưng việc căn cứ vào bảng phân loại công chức của từng đơn vị để đánh giá công chức làm được việc hay không vẫn còn nhiều câu hỏi về sự trung thực, khi mà sự quan hệ, dòng họ, tình cảm... trong một cơ quan vẫn còn duy trì, cản trở việc đánh giá chuẩn mực cán bộ.

Do vậy, sự tinh giản biên chế phải bắt đầu từ khâu tuyển chọn cán bộ, thi tuyển thật minh bạch, khắt khe, không có chuyện “đồng tiền đi trước hay quan hệ họ hàng” thì mới có những “cán bộ cống hiến”. Việc xã hội hóa nhiều dịch vụ công sẽ là quá trình tự đào thải cán bộ, giúp ngân sách nhà nước giảm nhẹ việc chi tiêu cho cán bộ “sáng cắp ô đi, tôi cắp ô về”. 

Tóm lại, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, thực hiện tinh giản biên chế cần “phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức. Và quan trọng không kém là người đứng đầu có đủ bản lĩnh để vượt qua thách thức, nể nang, tình cảm cá nhân hay không khi tuyển dụng, đánh giá cán bộ”.

Đọc thêm