Trường Sa sóng gió mạnh, miền Bắc sắp thời điểm rét nhất đợt

Vị trí tâm bão hiện cách huyện đảo Trường Sa chừng 600 km, sức gió gần tâm bão giật cấp 11-12. Do ảnh hưởng không khí lạnh, khu vực này và Hoàng Sa biển động mạnh. Trong khi đó, miền Bắc chuẩn bị vào thời điểm rét nhất đợt.
Đường đi của bão số 5 vào 14h30 hôm nay. Ảnh: TTKTTVTW.
Đường đi của bão số 5 vào 14h30 hôm nay. Ảnh: TTKTTVTW.

14h ngày 16/12, vị trí tâm bão vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 119,6 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 680 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 90 đến 100km một giờ), giật cấp 11-12. 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, hướng về phía quần đảo Trường Sa. Đến 13h ngày 17/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 118,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 410 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10. 
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với gió đông bắc mạnh nên vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 11-12. Sóng biển cao 3-5m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 18/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,1 độ Vĩ Bắc; 113,3 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 60km một giờ), giật cấp 8-9. 
Khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10. Sóng biển cao 2-4m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km. 
Trong khi đó, không khí lạnh vẫn tác động mạnh nên ở vịnh Bắc Bộ, ven biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) đã có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. 
Dự báo, ở vịnh Bắc Bộ, ven biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1. Riêng vùng biển phía đông khu vực Giữa Biển Đông do ảnh hưởng kết hợp hoàn lưu cơn bão số 5 nên có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 11-12, sóng biển cao 3-5m, biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 
Không khí lạnh cường độ mạnh tiếp tục tràn xuống miền Bắc khiến nền nhiệt giảm mạnh. Sáng nay, nhiệt độ thấp nhất ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) chỉ 3 độ C, Sa Pa (Lào Cai) 5 độ C, đồng bằng phổ biến 12-13 độ C. Thủ đô Hà Nội nơi rét nhất là Ba Vì là 13 độ C, Sơn Tây 14 độ C, Láng 15 độ C. 
Trên đỉnh núi Fansipan (cao hơn 3.000 m), khả năng sáng nay nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, có băng giá. Bởi theo chuyên gia khí tượng, thông thường cứ lên cao 1.000 m, nhiệt độ sẽ giảm trung bình 5-6 độ C.
Cơ quan khí tượng dự báo, đêm nay không khí lạnh tiếp tục tràn xuống miền Bắc, kéo nền nhiệt trong ngày dao động 16-17 độ C.
"Đêm nay và sáng mai là thời điểm rét nhất ở Bắc Bộ trong đợt này", chuyên gia khí tượng nhận định trên VnExpress và cho biết mức nhiệt thấp nhất xuống còn 11-13 độ C ở đồng bằng và dưới 10 độ ở vùng núi. Những đỉnh núi cao như Sa Pa, Sìn Hồ, Mẫu Sơn hay đèo Pha Đin nhiệt độ giảm còn 1-3 độ C, có thể xuất hiện băng giá. 
Với miền Trung, tác động của không khí lạnh tiếp tục gây mưa vừa, mưa to dọc từ Nghệ An trở vào đến Đà Nẵng. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị trời rét chỉ khoảng 16-19 độ C.
Chiều tối qua, 15/12, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp ứng phó với diễn biến bão con bão số 5. 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ huy PCTT& TKCN 8 tỉnh, thành ven biển Nam Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tìm mọi biện pháp thông báo cho bộ đội, nhân dân trên các đảo, chủ tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động  phòng tránh.

Vùng nguy hiểm được xác định là vùng biển từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 15 và phía Đông kinh tuyến 117. 

Bộ GTVT thông tin, kiểm soát hoạt động của tàu vận tải, sẵn sàng lực lượng phương tiện, tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, biên phòng tuyến biển đã phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 70.352 phương tiện/359.637 người biết diễn biến của bão số 5 để chủ động phòng tránh. Hơn 13.000 chiến sĩ với trên 750 phương tiện đã được huy động để ứng phó với các tình huống của bão. 
Tối 15/12,  Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã giửu công điện tới gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Ngoại giao chủ động ứng phó bão Melor.
Cũng trong ngày 15/12, Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai thông qua Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi bốn quốc gia, đề nghị các nước hỗ trợ ngư dân Việt Nam.

Đọc thêm