Truyền tiếp ngọn lửa đam mê, sáng tạo và cống hiến...

(PLO) - Hôm nay, những người làm Báo Pháp luật Việt Nam vui mừng kỷ niệm 32 năm ngày ra số báo đầu tiên. Đơn giản chỉ là một con số, nhưng gói ghém trong đó vô số vui buồn, trăn trở và lo âu, niềm tin và kỳ vọng… của lớp lớp các thế hệ những người làm báo và đọc Báo Pháp luật Việt Nam…
TS. Đào Văn Hội - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam
TS. Đào Văn Hội - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam

Ngày 10/7/1985, khi tờ Pháp luật thường thức chào đời, ngay cả với những người lạc quan nhất cũng không thể tưởng tượng được sẽ có những gì sau hơn 30 năm. Đồng hành với công cuộc đổi mới, tờ báo nhanh chóng trưởng thành, đóng góp thêm một góc nhìn, một tiếng nói cùng Đảng, Nhà nước, Bộ và ngành Tư pháp hoàn thiện thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đưa pháp luật phổ biến đến sâu rộng các tầng lớp nhân dân, phản ánh tình hình thi hành Hiến pháp, pháp luật, nhất là “gương người tốt, việc tốt” trong việc thi hành pháp luật; bảo vệ công lý; bảo vệ quyền; lợi ích hợp pháp của nhân dân, các giá trị tốt đẹp của dân tộc và dân chủ, nhân quyền, pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phê phán, đấu tranh với các hiện tượng xã hội tiêu cực, vi phạm pháp luật, suy thoái về đạo đức, lối sống, nhất là tệ nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí...

Phó Tổng Biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến tiếp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại gian trưng bày của Báo PLVN tại Hội báo toàn quốc 2017.
Phó Tổng Biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến tiếp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại gian trưng bày của Báo PLVN tại Hội báo toàn quốc 2017.

Được đổi tên thành Báo Pháp luật, rồi Báo Pháp luật Việt Nam, sự đa dạng hóa các loại hình báo chí, sự “bùng nổ” mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới như Internet và mạng xã hội thông qua Internet, sự kén chọn khắt khe của bạn đọc... đã ảnh hưởng từng ngày, từng giờ đến các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Pháp luật Việt Nam. 

Với quan điểm “Không để bạn đọc rơi vào cảnh “thiếu đói” kiến thức pháp luật”, Báo Pháp luật Việt Nam vừa gia tăng số lượng ấn phẩm vừa điều tiết số lượng báo in, báo hàng ngày, báo hàng tuần và hàng tháng; tổ chức thêm các chuyên trang điện tử, sử dụng thế mạnh của truyền thông số gia tăng kênh truyền tải pháp luật đến bạn đọc v.v…

Đến nay, Báo đã trở thành tờ báo có số lượng ấn phẩm đa dạng với bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước thông qua 8 ấn phẩm báo in và 4 ấn phẩm báo điện tử nhằm thu hút nhiều hơn bạn đọc quan tâm, yêu mến thương hiệu “Pháp luật Việt Nam”, thỏa mãn nhu cầu đọc, nghe, xem của đa dạng các đối tượng bạn đọc; lấy các hình thức ấn phẩm khác nhau để truyền tải được tối đa các sự kiện, vấn đề pháp luật và pháp lý đến công chúng, theo tinh thần “nhiều mũi tiến công trên một mặt trận tuyên truyền phổ biến pháp luật”, miệt mài truyền tải thông điệp “Thượng tôn pháp luật” trong định hướng về một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; củng cố uy tín, thế đứng của tờ báo; khẳng định uy tín, vị thế của ngành Tư pháp Việt Nam. 

Báo Pháp luật Việt Nam trao tặng ấn phẩm sách, báo tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo tại Quảng Ninh.
Báo Pháp luật Việt Nam trao tặng ấn phẩm sách, báo tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo tại Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, Báo tiếp tục thúc đẩy chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật, tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo qua ấn phẩm báo chí bằng nguồn kinh phí xã hội hóa” nhằm góp phần đưa kiến thức pháp luật lan tỏa đến bạn đọc thuộc khu vực biên giới, hải đảo; cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới – hải đảo; thể hiện một cách chủ động, sáng tạo nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới. Đầu năm 2017, Báo phát động cuộc thi viết “Doanh nghiệp, doanh nhân thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” nhằm phát hiện, biểu dương, tôn vinh những cá nhân, tổ chức kinh doanh biết thượng tôn pháp luật, tuân thủ và đề cao pháp luật như một điều kiện tiên quyết của phát triển bền vững; không chỉ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cổ vũ tinh thần “sống theo Hiến pháp và pháp luật” cho doanh nghiệp, doanh nhân – mục đích chính của một tờ báo pháp luật -  mà còn chủ động, sáng tạo trong nhiệm vụ “tôn cái đẹp, dẹp cái xấu” – nhiệm vụ lớn của báo chí nói chung.

Hội Nhà báo toàn Trung Quốc thăm Báo Pháp luật Việt Nam.
Hội Nhà báo toàn Trung Quốc thăm Báo Pháp luật Việt Nam.

Dựa vào pháp luật, lấy báo chí làm cầu nối chuyển tải, tuyên truyền pháp luật, dùng các vấn đề, sự kiện pháp luật làm đề tài chính yếu của tất cả các ấn phẩm, sử dụng các ấn phẩm để truyền tải pháp luật phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau v.v… đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, thành thương hiệu “Pháp luật Việt Nam” trung thành với tôn chỉ, mục đích “truyền thông pháp luật vì Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, luôn được “Đảng tin, dân yêu, doanh nghiệp đồng hành”… 

Trước thách thức của thời kỳ hội nhập, với sự bùng nổ của kỹ thuật số trong cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4, những người làm Báo Pháp luật Việt Nam nhận thức rõ cơ hội trong thách thức, tìm thấy động lực mới giữa những trở ngại: Vận dụng tối đa thành tựu công nghệ cho việc làm báo, lấy sức mạnh của truyền thông đa phương tiện tạo nên hiệu quả tối đa cho truyền thông pháp luật.

Lấy kỹ thuật số kết hợp với thế mạnh của đội ngũ những người làm báo giàu nhiệt huyết, vững vàng bản lĩnh chính trị, có kỷ cương, kỷ luật và đạo đức làm báo để tạo nên những sản phẩm báo chí mới giàu sức sống trong lòng bạn đọc. Đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, đúng định hướng, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, vững vàng trong vai trò nhịp cầu truyền tải pháp luật đến nhân dân và tiếng nói của nhân dân phản ánh đến Đảng, Nhà nước, Chính phủ, vừa đảm bảo doanh thu từ hoạt động báo chí trong buổi hội nhập và cạnh tranh khốc liệt.

Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông về THADS.
Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông về THADS.

Trong dịp trọng đại này, Báo Pháp luật Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo Bộ Tư pháp; bày tỏ lòng tri ân sự ủng hộ, tin tưởng của lớp lớp các thế hệ bạn đọc, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng các doanh nghiệp… đã dành cho những người làm Báo Pháp luật Việt Nam.

Trong tình cảm và sự tin yêu ấy, các thế hệ những người làm Báo Pháp luật Việt Nam một lần nữa nhắc nhở nhau đoàn kết một lòng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật và đạo đức người làm báo, truyền sang nhau ngọn lửa đam mê, sáng tạo và nhiệt tình, cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp truyền thông pháp luật, cho sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng, cho sự nghiệp tư pháp, cùng góp tay kiến tạo và thúc đẩy sự phát triển của xã hội, của đất nước vì một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh…

Giao lưu trực tuyến cùng Vụ trưởng Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) Bạch Quốc An và Q. Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) Vũ Hồ qua báo điện tử PLVN.
Giao lưu trực tuyến cùng Vụ trưởng Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) Bạch Quốc An và Q. Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) Vũ Hồ qua báo điện tử PLVN.

Đọc thêm