Tự chủ đại học: Thực hiện chắc chắn, hạn chế tối đa xáo trộn, đổ vỡ

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ lưu ý việc thực hiện tự chủ đại học đúng kế hoạch đề ra nhưng phải bền vững, chắc chắn, hạn chế tối đa xáo trộn, đổ vỡ. 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.

Sáng 6/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị triển khai Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (ĐH). 

Xu thế tất yếu

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tự chủ đại học là xu thế tất yếu. Chính phủ đã có nghị quyết cho thí điểm 23 cơ sở giáo dục ĐH. Quá trình thực hiện thí điểm trong thực tế đã cho thấy những ưu điểm nổi trội của việc thực hiện tự chủ ĐH. 

Từ đó, Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (Luật 34) được Quốc hội chính thức thông qua vào năm 2018, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 1 số điều của Luật (Nghị định 99).

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trên nền tảng xu hướng của tự chủ ĐH, trong bối cảnh điểm xuất phát thấp, đầu tư còn hạn chế, phần lớn các cơ sở giáo dục ĐH sống bằng học phí, giáo dục ĐH đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. 

Trong đó, nếu xét trên toàn hệ thống, giáo dục ĐH Việt Nam năm 2019 đã có sự cải thiện thứ bậc rõ nét trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới và khu vực. Giáo dục ĐH của chúng ta xếp thứ 68 trên 196 nước và vùng lãnh thổ, nâng được 12 bậc so với 2018. Nhiều bảng xếp hạng quốc tế danh tiếng có tên của cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam dù chưa nhiều nhưng cũng là kết quả rất đáng lạc quan.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện tự chủ ĐH cũng đặt ra một số thách thức, như một số trường thực hiện tự chủ nhưng năng lực còn hạn chế, thực hiện chưa nghiêm, dẫn đến nhiều vấn đề bất cập nảy sinh…

“Rõ ràng, bên cạnh cơ hội cũng đặt ra nhiều vấn đề phải chấn chỉnh, xử lý, để giáo dục ĐH tiến tới minh bạch về chất lượng, bình đẳng trong cạnh tranh và tiếp cận đến chất lượng thực và chất lượng quốc tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cơ quan chủ quản không can dự sâu vào công tác điều hành

Tại Hội nghị, để đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả lộ trình tự chủ qua đó nâng cao chất lượng giáo dục ĐH trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý một số nhóm vấn đề quan trọng cần cùng thống nhất nhận thức trong Luật 34, Nghị định 99.

Thứ nhất nhóm vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức nhà trường, thành lập trường trong ĐH, trường ĐH; điều kiện từ trường ĐH sang ĐH.

Nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến thiết chế Hội đồng trường. Theo đó, Hội đồng trường phải thực quyền, chỉ như vậy thì Luật 34 và Nghị định 99 mới đi vào cuộc sống. Hiện do nhiều lý do khác nhau mà Hội đồng trường tại nhiều cơ sở giáo dục ĐH chưa thực quyền, nhưng tới đây tình trạng này cần chấm dứt.

Ngoài ra một số vấn đề liên quan đến văn bằng, các trình độ đặc thù; tên giao dịch quốc tế của trường, trách nhiệm của Hội đồng trường với tên gọi thế nào và giải trình trước xã hội, trước Bộ GD&ĐT… cũng cần được các cơ sở đào tạo quan tâm thực hiện triệt để.

Đồng thời, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tới đây cũng cần thống nhất việc phân công trách nhiệm giữa các bên liên quan, trong đó nhấn mạnh việc Bộ GD&ĐT, các cơ quan chủ quản tập trung vào quản lý nhà nước, không can dự sâu vào công tác điều hành của các trường bằng biện pháp hành chính.

Cùng với đó là trách nhiệm giám sát, kiểm tra của địa phương trên địa bàn quản lý cơ sở giáo dục ĐH và các cơ quan tổ chức liên quan đều cùng phải vào cuộc, phải chịu trách nhiệm theo phân công nhưng trước hết vẫn phải là trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH.

“Lãnh đạo các cơ sở giáo dục ĐH cần quán triệt sâu cho cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động trong đơn vị mình để hiểu rõ Luật 34 và Nghị định 99, cũng như quyền, trách nhiệm của đơn vị mình, của từng cá nhân. Tự chủ không phải chỉ với cơ sở giáo dục ĐH mà phải ngấm đến từng bộ phận, từng giảng viên viên”, Bộ trưởng GD&ĐT đề nghị.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý việc thực hiện tự chủ đúng kế hoạch đề ra nhưng phải bền vững, chắc chắn, hạn chế tối đa xáo trộn, đổ vỡ. 

“Tôi tin, năm 2020 là năm bản lề chúng ta thực hiện Luật 34, Nghị định 99, để giai đoạn 2021-2025 GD ĐH của chúng ta có những đột phá”, ông nói.

Đọc thêm