Từ chức và hiện tượng suy thoái đạo đức, lối sống của một số cán bộ

(PLO) - Rõ ràng, bản thân của các cán bộ vi phạm đó phải chịu trách nhiệm về việc mình đã gây ra nhưng hành vi của họ đã làm xấu hình ảnh người cán bộ và chứng minh cho hiện tượng suy thoái đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ hiện nay.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Ông Trưởng ban Tổ chức cán bộ TP Vị Thanh (Hậu Giang) đã xin từ chức. Đây là hệ lụy từ việc ông mượn bằng Tốt nghiệp cấp 2 của bạn để rồi học và tốt nghiệp PTTH, tiếp tục lấy bằng Cử nhân Luật và bằng Chính trị cao cấp.

Việc mượn bằng bị phát giác, ông xin từ chức, mong muốn ở một vị trí công chức bình thường, tiếp tục học lại. Như vậy, ông không chờ tổ chức phải cách chức mà tự mình thấy không còn xứng đáng với cương vị công tác của mình, dù cho một lỗi lầm đã xảy ra từ lâu, lúc “trẻ người non dạ” nhưng đó là là điểm xuất phát cho sự nghiệp của ông, từ một cán bộ xã đến một trưởng ban quan trọng của Thành ủy.

Sự gian dối đã phải trả giá và người gây ra chuyện này hẳn cũng ý thức được điều đó, hành vi của ông chứng tỏ vẫn còn có chút tự trọng, dù biết rõ là mình không xin từ chức thì rồi cũng bị cách chức.

Cũng ở TP Vị Thanh, ông Chủ tịch Hội Nông dân (cũng do Thành ủy quản lý) tự cách chức mình bằng cách biến mất khỏi nhiệm sở và nơi cư trú sau khi đã vay mượn, tạm ứng hàng tỷ đồng và mất khả năng chi trả, hẳn là ông đã lường trước hậu quả của việc mình làm nên trốn tránh kỷ luật của cơ quan, pháp luật của Nhà nước.

Ở một diễn biến khác mới đây, bà Trưởng phòng Quản trị của UBND tỉnh Nam Định cũng lặng lẽ rời nhiệm sở sau khi vay mượn nhiều tỷ đồng từ hàng xóm, người quen. Bà ta có thể “huy động vốn” dễ dàng bằng cái mác Trưởng phòng của UBND tỉnh, đặc biệt là trong việc “chạy biên chế”.

Trong số những người cho bà ta vay tiền có những hàng xóm nghèo, vợ chồng bán quán nước, chạy xe ôm hay hai cô giáo vẻ mặt thất thần trước cánh cửa im lìm đóng của nhà bà ta vì đã “góp” 200 triệu cho bà.

Căn nhà bà ta ở đã âm thầm bán trước đây nhiều năm và bà ta chỉ thuê lại để ở, chồng con đều đã định cư ở một nước châu Âu, như thế đủ cho nhận định là có một âm mưu lừa đảo, đã dọn chỗ để “cao chạy xa bay”, để lại những nạn nhân khốn khổ. Cách thức “từ chức” của bà này khá giống với trường hợp đào tẩu của nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang xảy ra cách đây không lâu.

Oái oăm hơn, có người nghĩ ra cách thức từ chức ghê rợn, ảnh hưởng tới danh tiếng cơ quan, đơn vị như hành động tự thương bằng dao nhọn của một Viện trưởng VKSND huyện tại Hà Nội hay tự sát bằng súng của ông Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp phường tại TP HCM ở ngay tại phòng làm việc. 

Những trường hợp trên đây cho chúng ta thấy một điều là có vấn đề trong công tác quản lý cán bộ. Đề bạt một người từng có hành vi gian dối lên giữ một trọng trách tổ chức cán bộ ở một địa phương là biểu hiện của một sự thiếu chọn lọc kỹ càng và cẩn trọng trong đề bạt, không nhận ra những dấu hiệu bất thường của cán bộ để có biện pháp ngăn chặn kịp thời như trường hợp của bà Trưởng phòng hay của ông Chủ tịch Hội Nông dân,... và các việc đáng tiếc đã xảy ra với cán bộ thường được cấp quản lý nhận xét là “hiền lành, hoàn thành nhiệm vụ,...”.

Đọc thêm