Từ nỗi niềm trưởng bản không nhận trợ cấp đến nỗi lo ĐBSCL bị 'nhấn chìm'

(PLO) - Sáng nay (1/11), tại phòng họp Diên Hồng, các ĐBQH đã thảo luận về kế hoạch tài chính 5 năm, nợ công và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.  Từ nỗi niềm của trưởng thôn không nhận trợ cấp đến nỗi lo ĐBSCL bị nhấn chìm đã được các đại diện cử tri cả nước chia sẻ trước diễn đàn.
ĐB Nguyễn Thị  Kim Bé
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé

Nữ đại biểu (ĐB) Tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé đã nói lên những bức xúc của cử tri khi cánh đồng của họ hết thời thau chua thì lại đến rửa mặn, nỗi lo ĐBSCL sẽ bị nhấn chìm nếu không có sự đầu tư xứng đáng. 

Theo bà Kim Bé, đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vụ mùa bị hạn mặn vừa qua có nơi 80% thanh niên bỏ quê đi vì đất không còn sản xuất được. Do vậy, Chính phủ cần tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng thuỷ lợi để "cứu đồng bằng sông Cửu Long", để vùng đất này hoàn thành sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. 

Thể hiện một góc nhìn khác, một nỗi lo khác về cách đầu tư, cách sử dụng vốn của Chính phủ.  ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng báo cáo của Chính phủ, thẩm tra của Uỷ ban Tài chính Ngân sách đã chỉ ra những vấn đề cần đối mặt như: nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ cao; bố trí vốn đầu tư công còn dàn trải, chưa khắc phục được tình trạng dự án chuẩn bị sơ sài, hình thức để được ghi vốn rồi điều chỉnh nhiều lần…

Nhưng  theo ông Phương, các báo cáo chưa nêu được hiệu quả đầu tư thực tế của các dự án, bao nhiêu dự án thua lỗ, bao nhiêu dự án cần xem xét đề nghị điều tra, truy tố; nguyên nhân và giải pháp. 

Theo ông,  phải xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý, làm bài học cho tổ chức, quản lý, hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư lâu nay.

“Cách báo cáo, thẩm tra hiện mới nêu ra cái chung chứ không truy được trách nhiệm, không tạo ra đột phá làm chuyển biến nhận thức về vốn đầu tư, nhất là chống tham nhũng, lãng phí”. – ông nói.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương cũng đề nghị Bộ trưởng Tài chính giải trình, làm rõ nguyên nhân, áp lực nợ công và khả năng trả nợ của Chính phủ. “Người xưa có câu “thứ nhất nhà dột, thứ hai nợ đòi’, tâm lý người dân Việt Nam rất lo nợ và trả nợ càng nhiều thì càng lo, vì vậy Bộ trưởng Tài chính phải nói rõ để người dân được biết”, - ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề nghị. 

Đại diện cho những cử tri của vùng biên giới phía Bắc, ĐB Phan Văn Đường đề nghị Chính phủ cần có ưu tiên hơn nữa cho bà con vùng sâu vùng xa, đặc biệt là bà con ở vùng biên giới. 

Cách đầu tư hiện nay, ông cho rằng chưa thực sự hợp lý. “Phân bố theo lao động là phân bố khoa học, nhưng phải có sự cân đối , chú ý ưu tiên những vùng chưa được ‘sáng’ trong quá trình đổi mới” – đại biểu này nói.

Ông cũng cho biết ở nơi ông công tác, có những hộ gia đình không kê khai hộ nghèo, trưởng thôn không nhận phụ cấp. Họ tự ái, bởi bản làng của họ nghèo quá, con đường ô tô xin mãi mà không được đầu tư. 

Đọc thêm