Tuyển sinh lớp 6 tại Hà Nội: Lãnh đạo thành phố cũng bị “hun nóng”

(PLO) - Ngày 7/5, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã đã rà soát lại công tác tuyển sinh đầu cấp. 
Tuyển sinh lớp 6 tại Hà Nội: Lãnh đạo thành phố cũng bị “hun nóng”
Xử lý nghiêm hiệu trưởng “làm đẹp” hồ sơ
Về tuyển sinh lớp 6, tất cả các quận có những trường “nóng” về lượng học sinh dự tuyển cao hơn chỉ tiêu đều báo cáo thống nhất phương án xét tuyển theo học bạ đi kèm các tiêu chí ưu tiên, cộng điểm… Theo ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, số lượng học sinh vào lớp 6 năm nay giảm hơn so với năm ngoái khoảng 80 nghìn học sinh. Tuy nhiên, việc xét tuyển vào lớp 6 lại khiến “người trong cuộc” lo hồ sơ sẽ “nóng” vì quá… “đẹp”.
Ông Phạm Văn Đại cho biết, có 3 cơ sở để Sở hướng dẫn các trường xây dựng tiêu chí xét tuyển với những trường có số lượng dự tuyển cao. 
Thứ nhất, xét năng lực học tập của học sinh trong suốt cấp tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 thông qua học bạ. 
Thứ hai, căn cứ vào kết quả của học sinh qua các cuộc thi tất cả các mặt, từ văn hóa đến năng khiếu, thể dục thể thao… do ngành GD&ĐT cùng với các cơ quan khác phối hợp tổ chức. 
Thứ ba là tính đến việc ưu tiên con em các gia đình chính sách nếu có nguyện vọng xét tuyển vào các trường này. 
Ba tiêu chuẩn này sẽ tổng hợp bằng các tiêu chí nhỏ và quy chi tiết ra điểm. Từ đó, đưa ra một thang điểm, lấy từ cao xuống  để việc tuyển sinh được thực hiện một cách công bằng, minh bạch. Thời gian công bố công khai các tiêu chí sẽ được ấn định là ngày 30/5 tới.
Trước lo ngại về những tiêu cực khi cha mẹ “làm đẹp” hồ sơ, ông Đại khẳng định: “Đây là vấn đề được quan tâm từ đầu năm học khi chúng tôi có kế hoạch tuyển sinh đầu cấp. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu các trường quản lý nghiêm túc kết quả học tập của học sinh thông qua sổ điểm và nhận xét của giáo viên”. Sở cũng đã báo cáo  UBND TP.Hà Nội là sẽ xử lý nghiêm hiệu trưởng nào để xảy ra tình trạng sửa điểm, kết quả học bạ của học sinh. 
“Căn cứ  kết quả học tập của học sinh ở tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5, không thể tất cả đều đạt điểm 10 văn, toán. Số lượng học sinh tham gia  các cuộc thi với giải thưởng khác nhau, rồi con em gia đình chính sách là điểm cộng vượt trội. Như vậy thì không thể em nào cũng điểm sàn sàn như em nào được” – ông Đại nhấn mạnh.
“Nếu 500 hồ sơ giống nhau thì làm thế nào?”
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu, để nhân dân tin tưởng vào kết quả xét tuyển công bằng, Sở GD&ĐT phải chỉ đạo các Phòng GD&ĐT kiểm tra, chịu trách nhiệm về hồ sơ học sinh lớp 5. Việc kiểm tra kỳ II tới đây phải hết sức nghiêm túc, phát hiện hồ sơ lớp 5 nào sửa chữa trong thời gian này, nhà trường phải giải trình và chịu kỷ luật nếu sửa chỉ để tăng điểm với mục đích vào được trường tốt.
Bà Ngọc cũng lưu ý, các phương án dù được đưa lên nhưng vẫn phải lắng nghe ý kiến phụ huynh,  “nếu 500 hồ sơ điểm bằng nhau thì làm thế nào? Ưu tiên hộ khẩu theo địa bàn cũng không sai luật, nhưng bốc thăm có được không? Các trường phải được sự đồng thuận của số đông. Nếu đóng góp hay phải tiếp thu”.
Từ năm 2011 Hà Nội đã xoá các điểm nóng về tuyển sinh đầu cấp. Riêng năm nay việc tuyển sinh lớp 6 không được tổ chức thi với toàn thành phố, phần lớn các trường không phát sinh vấn đề gì, nhưng một số trường có thương hiệu thì có biến động, đặc biệt là tác động tới tâm lý phụ huynh, học sinh khi chưa rõ tuyển hay xét thế nào.
UBND TP đã có văn bản chỉ đạo sớm, khẳng định việc tuyển sinh lớp 6 theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, chỉ xét tuyển, không có ngoại lệ. Nếu thực hiện đúng nền nếp này thì việc dạy thêm, học thêm, chạy trường, chạy lớp sẽ đỡ đi, là kì vọng của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc. 
Được biết, Sở GD&ĐT đang dự kiến chỉ đạo các trường công lập đưa các mẫu hồ sơ, mẫu đơn lên trang web của trường để phụ huynh dù ở đâu cũng có thể in ra để điền thông tin và nộp hồ sơ xét tuyển. Điều này sẽ làm giảm tất cả chi phí cũng như lo lắng, vất vả của phụ huynh, học sinh.

Đọc thêm