Ưu tiên bảo vệ, thúc đẩy quyền con người giữa đại dịch

(PLVN) - Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh dịch Covid-19” được Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 15/12.
Nhiều hoạt động hỗ trợ kịp thời đã giúp người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19. (Ảnh minh họa)
Nhiều hoạt động hỗ trợ kịp thời đã giúp người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19. (Ảnh minh họa)

Ưu tiên bảo vệ, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương 

Tại Hội thảo, ông Phạm Quang Hiệu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, hiện nay tại Việt Nam, dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát tốt, hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Việt Nam đã tiến vào trạng thái “bình thường mới”, khi người dân có thể quay trở lại sinh hoạt thường nhật, không bị hạn chế. 

Tuy nhiên, ông Phạm Quang Hiệu chia sẻ, Việt Nam cũng đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm 2016-2020 ước đạt khoảng 5,9%, giảm 0,9% so với giai đoạn 2016-2019; trong đó tốc độ tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm 2020 chỉ đạt 1,8%, là mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua.

Ngành du lịch và nhiều ngành dịch vụ khác như giao thông vận tải, hàng không, khách sạn, ăn uống, giải trí… bị tác động nghiêm trọng. Ngoài ra, tính đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực như bị mất việc, phải nghỉ, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Cũng theo ông Hiệu, điểm lại những thách thức hết sức to lớn do dịch Covid-19 gây ra cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong vòng một năm qua, dẫn đến việc thụ hưởng các quyền con người cơ bản bị tác động mạnh, nhất là quyền sống, được bảo đảm sức khỏe.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng, minh bạch đưa ra các chính sách, biện pháp hiệu quả với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có các khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) mà Việt Nam đã chấp thuận.

Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương bởi đại dịch, bao gồm người nghèo, người khuyết tật, người già, người lao động mất việc làm, không có thu nhập hoặc bị giảm thu nhập…

Đồng thời, Chính phủ Việt Nam có những sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phối hợp, hợp tác quốc tế trong ứng phó với dịch Covid-19, trong đó đáng chú ý là việc đề xuất chọn ngày 27/12 hàng năm là Ngày thế giới sẵn sàng chống dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức cũng như tăng cường hợp tác, phối hợp trong phòng, chống dịch bệnh.

Đề xuất nêu trên của Việt Nam đã được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua bằng đồng thuận ngày 7/12, với 107 nước đồng bảo trợ.

Các gói hỗ trợ kịp thời, hiệu quả

Tại Hội thảo, ông Đặng Huy Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, “đại dịch Covid-19 gây nên những tác động tiêu cực đến sức khỏe, cuộc sống, việc làm và thu nhập của người dân”. Thế nhưng trong bối cảnh muôn vàn khó khăn này, Chính phủ, các tổ chức xã hội đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ người dân cần trợ giúp. 

Rõ nét nhất, Chính phủ Việt Nam sớm đã đưa ra một gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có tiền lệ với tổng kinh phí hơn 62 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 2,7 tỷ USD) để hỗ trợ khoảng 20 triệu người là những lao động bị giảm việc, mất việc, thất nghiệp; người sử dụng lao động và hộ kinh doanh cá thể có khó khăn về tài chính; các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các nhóm đối tượng đang hưởng các chế độ bảo trợ xã hội.

Đến tháng 11/2020, Chính phủ đã thực hiện giải ngân gần 13 nghìn tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho hơn 12 triệu người và khoảng 27 triệu hộ kinh doanh, đặc biệt đã tiếp cận được với hơn 7 triệu đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo cùng nguồn kinh phí giải ngân là hơn 5 nghìn tỷ đồng. 

Không những thế, tính từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9/2020, Chính phủ đã hỗ trợ xét nghiệm đối với hơn 1,2 triệu trường hợp thuộc các nhóm đối tượng cần theo dõi, với hơn 58,8% là xét nghiệm RT-PCR.

Việt Nam cũng đã gia nhập “cuộc đua” tìm kiếm vaccine phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trở thành 1 trong số 40 nước đầu tiên thử nghiệm vaccine lên người. Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các nhà sản xuất trong nước tăng cường các hoạt động nghiên cứu sản xuất vaccine.

Riêng đối với vấn đề tiếp cận thông tin, nhờ chính sách thông tin minh bạch, luôn cập nhật tình hình về dịch bệnh đã giúp nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ bản thân và cộng đồng của người dân và khiến người dân đồng lòng, sẵn sàng hợp tác trong công tác phòng, chống dịch. 

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hữu ích về các biện pháp bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó tập trung vào bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, tăng cường công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài…, từ đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy và bảo vệ tốt hơn quyền con người trong bối cảnh dịch Covid-19.

Các đề xuất này sẽ được các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu và lồng ghép phù hợp vào quá trình thực hiện các khuyến nghị UPR III mà Việt Nam đã chấp thuận. 

Về quyền được sống trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Linh Kha nêu rõ: “Việt Nam đã xác định “chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe của người dân.

Tuy việc “giãn cách xã hội” đã làm gián đoạn kinh tế và chất lượng đời sống của người dân, nhưng nhờ chính những biện pháp quyết liệt như vậy, Việt Nam đã thành công ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong cộng đồng, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít những nước không có sự lây lan rộng trong cộng đồng trong suốt 3 tháng trở lại đây”. 

Chính phủ luôn bảo đảm quyền được tiếp cận điều trị Covid-19 cho tất cả bệnh nhân: điều trị miễn phí; khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế, sản xuất thành công bộ KIT xét nghiệm Covid-19 trong thời gian ngắn…; thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân: tổ chức gần 200 chuyến bay, đưa khoảng 60 nghìn công dân Việt Nam, từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước.

Các biện pháp như giám sát và cách ly y tế, giãn cách xã hội… được đưa ra căn cứ theo diễn biến tình hình, phù hợp với các quy định của Điều lệ Y tế Quốc tế và được triển khai trên nguyên tắc không phân biệt đối xử; hay các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly và phong tỏa để phòng ngừa bệnh dịch được thực hiện một cách thận trọng, đặc biệt đối với một nhóm xã hội như trẻ em, người lao động mất việc làm; phụ nữ; người khuyết tật; các nhóm dân tộc thiểu số ở khu vực vùng sâu, vùng xa…

Đọc thêm