Uỷ ban Kinh tế đề nghị sửa chữa, bảo dưỡng các hồ, đập mất an toàn

(PLVN) - Đó là một trong những giải pháp được đưa ra trong Báo cáo tóm tắt thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và một số định hướng lớn giai đoạn 2021-2025 được Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tại Quốc hội hôm 21/10. 
Cần sửa chữa, bảo dưỡng các hồ, đập mất an toàn. Ảnh minh hoạ: baonhandan
Cần sửa chữa, bảo dưỡng các hồ, đập mất an toàn. Ảnh minh hoạ: baonhandan

Theo Báo cáo, Uỷ ban Kinh tế cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và đề nghị quan tâm thêm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp:

Bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, đình chỉ, thu hồi các văn bản sai nội dung, trái thẩm quyền. Khẩn trương có giải pháp chỉ đạo điều hành quyết liệt để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và sớm phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế, chiến lược và chính sách của các nước đối tác của Việt Nam, các nước lớn, nhất là của Mỹ và quan hệ Mỹ - Trung; chuẩn bị các kịch bản để ứng phó các nguy cơ tranh chấp thương mại quốc tế; từng bước khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án phát triển nguồn và lưới điện, không để thiếu điện. Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Sửa chữa, bảo dưỡng các hồ, đập mất an toàn; đầu tư xây dựng các hồ chứa nước ngọt quy mô lớn.

Bố trí nguồn lực và thực hiện giải pháp phù hợp về thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ… để tiếp tục duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động. Tăng cường các chính sách, giải pháp để tạo việc làm mới cho giai đoạn hậu Covid-19.

Đầu tư củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe, trang bị các thiết bị y tế đầy đủ; chủ động tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác; chú trọng công tác lồng ghép các yếu tố dân số trong quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương theo đúng lộ trình. Có giải pháp để điều tiết giá sách giáo khoa, bảo đảm nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Bố trí đủ kinh phí để chuẩn bị, triển khai tổ chức Seagames, Paragames.

Chủ động xây dựng chính sách phù hợp để tăng sức hút dòng vốn FDI chất lượng cao đang có xu hướng dịch chuyển từ các nước khác sang Việt Nam. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015.

Xây dựng Chương trình hành động, sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào cuộc sống; phấn đấu thực hiện thắng lợi ngay từ năm đầu. Bảo đảm bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm. Chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, biên giới. Đẩy mạnh thực hiện phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; bảo đảm an ninh mạng.

Đọc thêm