Vẫn còn dư âm một số vụ án gây tranh cãi về quyền con người trong tố tụng

(PLVN) - Ngày 30/3, thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nêu một số tồn tại, hạn chế trong công tác tư pháp. Đáng chú ý là tình trạng vẫn còn những vụ án khiến dư luận băn khoăn.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) nhận định, mặc dù bối cảnh còn nhiều khó khăn chung, nhất là ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, các cơ quan tư pháp đã nỗ lực đổi mới, trong đó có nhiều giải pháp đột phá, để cơ bản hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt chỉ tiêu QH đề ra, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn, trăn trở của cử tri, nhân dân về những hạn chế, bất cập của cơ quan tư pháp nhiệm kỳ qua. Cụ thể là trong án hình sự có nhiều vụ án lớn, án điểm được xử lý tốt theo báo cáo của ngành Tòa án, không để xảy ra oan sai, kết án oan người vô tội. Nhưng dường như đâu đó vẫn còn dư âm một số vụ án gây tranh cãi, được dư luận quan tâm về quyền con người trong tố tụng, về việc áp dụng các quy tắc điều tra, truy tố, xét xử trong tố tụng hình sự.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo.
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo.

Ông đề nghị báo cáo của các cơ quan tư pháp cần đánh giá đầy đủ, chặt chẽ, khách quan hơn về chất lượng công tác kiểm sát hoạt động điều tra vụ án hình sự, vấn đề kiểm sát tạm đình chỉ điều tra, công tác của các cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) cần được quan tâm hơn. Báo cáo của VKSNDTC cần thẳng thắn nhìn nhận dư luận cử tri cho rằng số lượng vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp được phát hiện, khởi tố, điều tra trung bình 50 vụ/năm là chưa thực sự phản ánh đúng tình hình vi phạm trong hoạt động tư pháp.

“Chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm cho vấn đề này, góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các cơ quan tư pháp và trong hoạt động tư pháp tố tụng nói riêng”, ĐB Tạo nhấn mạnh.

Đối với ngành Tòa án, vấn đề được cử tri quan tâm là chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án. Tình trạng các vụ án dân sự thời gian qua kéo dài hơn rất nhiều so với thời hạn quy định theo pháp luật tố tụng. Cạnh đó, có những vụ án qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm 2-3 vòng, kéo dài 5-10 năm...

Lưu ý giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là một cấp xét xử nhưng nhiều người dân cứ nghĩ đây là một khâu rất quan trọng, ảnh hưởng đến niềm tin và công lý, pháp chế xã hội chủ nghĩa, Đại biểu Tạo đề nghị ngành Tòa án có giải pháp hiệu quả hơn để giải quyết vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.
 Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Cũng bàn đến giám đốc thẩm, tái thẩm, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH Bến Tre) đề nghị Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), VKSNDTC, Ủy ban Tư pháp, Ban Dân nguyện và một số ĐBQH có quan tâm đặc biệt đến công tác tư pháp cần dành thời gian làm việc, nhất là giải quyết những vụ án, vụ việc giám đốc thẩm, tái thẩm, đơn thư tố cáo hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp để làm rõ, xác định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan.

Đồng thời, cần tập trung nghiên cứu, tái nghiên cứu khách quan nhất, cẩn trọng nhất những vụ án, vụ việc mà đương sự, gia đình kiến nghị kéo dài, quyết liệt, dư luận bức xúc cũng như những phương pháp làm việc của các cơ quan tư pháp, không được bàng quan trước tiếng kêu của nhân dân, đoạn tuyệt với thái độ, định kiến tiêu cực trong tư pháp như cứ bị bắt, cứ xử là có tội.

Trước đó, vào sáng 25/3, QH đã nghe các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TANDTC, VKSNDTC và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về các báo cáo này.

Theo Chánh án TANDTC  Nguyễn Hòa Bình, trong nhiệm kỳ qua, hệ thống TAND đã hoàn thành nhiệm vụ xét xử đạt và vượt các chỉ tiêu yêu cầu quan trọng của QH giao với chất lượng cao. Các tòa án đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, giải quyết được gần 2.376.000 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6%.

Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5% đạt chỉ tiêu nghị quyết của QH, đặc biệt đã xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5%. Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp kết án oan người không có tội.

Còn theo Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí, trong nhiệm kỳ qua, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố gần 375.900 vụ án hình sự; kiểm sát việc giải quyết gần 1.714.000 vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và hơn 33.000 vụ án hành chính.

Toàn ngành đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TANDTC, Ban Nội chính Trung ương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo; thông qua công tác kiểm sát đã góp phần hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm. Những trường hợp bị khởi tố, điều tra oan chiếm tỷ lệ rất nhỏ, giảm dần theo từng năm và giảm gần 53% so với nhiệm kỳ trước.

Thẩm tra các báo cáo của TANDTC và VKSNDTC, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga khẳng định, kết quả công tác của hai cơ quan trong nhiệm kỳ qua có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu trong các nghị quyết của QH, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện; góp phần quan trọng giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đọc thêm