Văn hóa công chức

(PLO) - Làm việcvới lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ máy lãnh đạo các cấp phải trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm và làm việc ngày đêm vì nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải loại bỏ cán bộ làm việc cầm chừng, vô trách nhiệm”.
Văn hóa công chức

Mục đích “vì dân” có lẽ là biểu hiện cao nhất của văn hóa công chức. Vì dân thì cán bộ tự thấy có trách nhiệm, suy nghĩ và làm việc bất kể ngày đêm. Bởi thế, gọi cán bộ là “công bộc của dân” là thể hiện rõ nhất nội hàm văn hóa này.

Đạo làm quan đời xưa lấy liêm chính làm gốc, nay ta cũng không khác: xây dựng một Chính phủ liêm chính. Liêm thì không bao giờ tham nhũng, chính là luôn ngay thẳng, minh bạch, không dùng thủ đoạn xảo trá để trị dân.

Không thể coi là “chính” được khi mới đây, một xã của tỉnh Nam Định thu hồi đất ruộng cho doanh nghiệp thuê đã dọa người dân “nếu không bán ruộng thì sau này Nhà nước thu hồi sẽ không được đền bù”, thậm chí cử cán bộ vào trong Nam, nơi có con em của người dân công tác ở đó để vận động họ yêu cầu người nhà bán ruộng.Hoặc, cán bộ lãnh đạo mà có quá nhiều người nhà “làm quan” cùng mình sao có thể được coi là “liêm chính”!

Không vì dân nên cán bộ mới dùng thủ đoạn như kiểu cán bộ thuế ở Hà Tĩnh đến cửa hàng bún bò truy thu thuế, ngăn không cho thực khách ăn sáng. Văn hóa công chức không cho phép làm như vậy, bởi vừa trái với quy định pháp luật, vừa làm mất đi chữ “chính” của cơ quan nhà nước, thuộc chính quyền. Thói hành xử tương tự không phổ biến, tuy nhiên, cũng không phải là hiếm gặp trong lĩnh vực quản lý hành chính, quản lý xã hội của đội ngũ cán bộ chúng ta.

Chẳng hạn một ông Chủ tịch huyện chống lại quyết định bản án của 3 cấp, không chịu đưa ra thi hành với lý do không thuyết phục. Việc không tuân thủ các bản án đã có hiệu lực tạo ra tâm lý chây ỳ trong lĩnh vực thi hành hành, lãnh đạo thì không nên gây ra ra một ảnh hưởng xấu như vậy, đó là phản văn hóa pháp lý.

Liêm chính thì không lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình. Tưởng chừng việc rất nhỏ như lạm dụng xe công đã có tác động rất xấu đến hình ảnh chính quyền, nhân cách cán bộ. Từ 1/10 Bộ Tài chính áp dụng phương thức khoán xe cho cấp Thứ trưởng, đó là một chuyển động tích cực tiếp cận mục tiêu “Chính phủ liêm chính”.

Ở một diễn biến khác, tại TP Hồ Chí Minh, trong nỗ lực cải cách hành chính, quy định phải viết thư xin lỗi công dân nếu việc giải quyết hồ sơ chậm trễ, đó cũng là một biểu hiện tốt của văn hóa công chức, nay văn hóa đó được nâng cấp thêm với yêu cầu không chỉ “xin lỗi suông” mà phải thực hiện công việc ngay có hiệu quả sau khi xin lỗi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu gương, tạo ra một nét văn hóa mới trong phong cách lãnh đạo: Trước khi tham dự hội nghị về vệ sinh an toàn thực phẩm thì ông trực tiếp ra chợ hoa quả, xuống đồng trồng rau nắm tình hình trước. Động thái đó của Thủ tướng rất được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Văn hóa công chức, ứng xử của cán bộ hiện tại còn nhiều chuyện bất cập, không tương xứng, đặc biệt là không được lòng dân, gây nên những bất ổn xã hội không đáng có. Vì vậy, rất cần đến những tấm gương thực hành liêm chính, những biện pháp tích cực, hợp lý và tạo ra những tiền lệ tốt, loại trừ cái xấu như việc “loại bỏ các cán bộ làm việc cầm chừng, vô trách nhiệm”.

Đọc thêm