Văn hóa giáo dục

(PLO) -Giáo dục thời nào cũng vậy, chức năng là "tải đạo", hình thành nên nhân cách con người và các phẩm chất tri thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu của thời đại và xã hội đó
Hình minh họa
Hình minh họa

Vì thế, nội hàm của giáo dục đã là văn hóa, ví dụ, những kiến thức truyền dạy cùng với tư cách ông thầy phải là "khuôn vàng, thước ngọc", được chọn lọc và tiếp thu từ tri thức nhân loại và truyền thống dân tộc, giáo dục cũng chính là bảo tồn văn hóa và bồi đắp văn hóa, tạo nên nền văn hóa của đất nước, dân tộc.

Với ý nghĩa đó thì tinh thần "giáo dục là quốc sách" phải được thấm nhuần trong tất cả các lĩnh vực của xã hội chứ không chỉ nhăm nhăm vào tỷ lệ ngân sách quốc gia dành cho giáo dục.

Chưa năm nào vào năm học mới mà "sôi động" những ý kiến trái chiều như năm học này. Hình như những dồn nén, ức chế bởi một nền giáo dục bất cập có dịp được bung ra và người ta sỉ vả không tiếc lời, không cần đến văn hóa ứng xử và bỏ qua cả cái đạo lý truyền thống "tôn sư, trọng đạo". Những người tỏ thái độ bằng những ý kiến phê phán nặng nề này đều là lớp học sinh trước kia của nền giáo dục hiện tại, đó cũng là biểu hiện một phần của kết quả đào tạo.

"Cả giận mất khôn" người ta đã đánh đồng hai sự việc khác hoàn toàn nhau vào chung một "rọ": Đó là chữ viết "cải cách" của Tiến sỹ Bùi Hiền và chương trình cải cách giáo dục ở bậc tiểu học của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Về chữ cải cách của ông Bùi Hiền đã không được chấp nhận ở bất cứ nơi đâu thì chẳng nên bới lại làm gì.

Riêng chương trình giáo dục thực nghiệm của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã được tiến hành 40 năm nay và được nhiều phụ huynh tín nhiệm. Giáo sư đã dành cả cuộc đời mình để tìm con đường giáo dục đúng đắn, hợp quy luật, đi cùng sự tiến bộ nhân loại và thích ứng với điều kiện nước nhà như vậy thì cần trân trọng tâm huyết của ông. Mục đích của Giáo sư không đi cùng đường với những người "cải cách để chia tiền" mà ông đã thẳng thắn chỉ ra.

Những bất cập của nền giáo dục hiện nay, ông Đại không liên quan gì cả. Còn chương trình giáo dục thực nghiệm của ông có hữu ích không, có phải là hướng đi đúng đắn của giáo dục hiện đại không, đó lại là chuyện khác. Cái này cần có cái nhìn tổng thể, toàn diện và đánh giá khách quan chứ không thể "thầy bói xem voi" mà phê phán, chỉ căn cứ vào tiểu tiết thôi là quá phiến diện. Những học sinh ở trường thực nghiệm Giảng Võ đã trưởng thành, làm nhiều công việc khác nhau, đảm trách nhiều cương vị trong xã hội hoặc trong nghiên cứu khoa học, hãy hỏi họ xem họ đánh giá về chương trình này cùng các người thầy đã dạy họ như thế nào.

Một lần nữa, trước khi Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua cần xem xét kỹ càng chủ trương "giáo dục là quốc sách" đã được thực hiện như thế nào trong bối cảnh giáo dục đang có những biểu hiện bất công, bất cập, rất nhiều tiêu cực hiện nay. Từ đó mà khai quang, mở ra "con đường sáng" cho tương lai nước nhà.

Đọc thêm