Văn hóa khinh bỉ

(PLO) - Lần đầu tiên, văn hóa khinh bỉ tham nhũng được đề xuất bởi một nhà lãnh đạo, từng kinh qua nhiều năm làm quản lý báo chí và lĩnh vực văn hóa – tư tưởng. Ông cho rằng phải tạo nên áp lực xã hội mạnh mẽ với tham nhũng thì cuộc chiến nội bộ chống tham nhũng mới có cơ sở thành công.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Lâu nay, xã hội chúng ta thịnh hành một thứ văn hóa cam chịu: Sống chung với tham nhũng. Đó là một hệ quả tất yếu của nạn tham nhũng tràn lan, xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực, từ tham nhũng vặt đến lợi ích nhóm, chi phối các mối quan hệ từ học tập, tiến thân, hoạch định một chính sách đến kinh doanh, giao thương, công nghệ, quản lý hành chính,... Bức tranh tối màu đã được đặt một cái tên chính xác như một sự đúc kết: “Ăn của dân không từ một thứ gì!”.

Hiện tại, tham nhũng vật chất đã trở thành bình thường đến nỗi không cần giấu giếm. Việc “bôi trơn”, “hoa hồng”, “lại quả” trong làm ăn, đấu thầu, dịch vụ công,... như một lẽ đương nhiên, ai không chấp nhận lập tức tự đặt mình ra khỏi cuộc chơi. Tham nhũng thịnh hành đến độ nếu ai có chức quyền mà không tham nhũng thì trở thành cô lập, thậm chí, những người được giao nhiệm vụ chống tham nhũng phải thừa nhận: “Chống lại họ (tham nhũng) có khi chúng tôi chết trước” (Lời của ông Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ).

Còn hơn cả sự thừa nhận mà hiển nhiên cho phép sự tham nhũng hoành hành thể hiện qua phát biểu của một vị tướng Công an: “Cảnh sát giao thông cầm năm, ba chục sao có thể gọi là tham nhũng!”. Từ đó, xuất hiện một thứ văn hóa trong cán bộ, công chức, người có quyền là một quan niệm “không tham nhũng là dại”, họ cứ nhìn nhau mà làm, “thượng bất chính, hạ tắc loạn” là vậy.

Một biểu hiện khác cho thấy tham nhũng công khai là kẻ tham nhũng không hề sợ các biện pháp chống tham nhũng như kê khai tài sản, gần đây, một loạt biệt thự, biệt phủ, “vườn thượng uyển”, đất vàng,... được xây dựng, thuộc quyền sở hữu của các ông quan đương chức hoặc vừa về hưu hoàn toàn công khai dù cho mọi người đều biết đó là các tài sản bất chính, nguồn gốc bất minh. Họ biết chắc chắn rằng không ai làm gì được họ bởi nguyên lý “rút dây động rừng”, “há miệng mắc quai”!

Tham nhũng vật chất giờ đây đã chuyển hóa tới một trình độ cao hơn: Tham nhũng quyền lực. Con đường thăng quan tiến chức mở ra thênh thang với một số người hội tụ các yếu tố “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, đồ đệ”. Một chuyên gia kinh tế rất có tiếng tăm đã chỉ ra rằng: “Quyền lực là đích ngắm quan trọng nhất của bọn tham nhũng” (bà Phạm Chi Lan trong cuộc phỏng vấn với Báo Vietnam Net).

Dân ta khinh bỉ tham nhũng đã từ lâu, ngay cả những cái chết chính trị hay thân xác do tham nhũng cũng ít người thực sự động tâm thương xót. Điều này xem ra trái với đạo lý truyền thống nhưng lại là biểu hiện tột cùng của một sự khinh bỉ. Tuy nhiên, để thái độ này trở thành văn hóa ứng xử của toàn xã hội thì nó phải được chấp nhận ở thượng tầng kiến trúc, cho dù đã manh nha, mầm mống và lớn dần từ hạ tầng cơ sở mà ở đây là lòng dân. Một khi sự khinh bỉ tham nhũng còn bị coi là hành vi “báng bổ”, “phạm thượng”, thậm chí bị vu là “bôi nhọ”, “kích động” thì chưa trở thành văn hóa được!

Đọc thêm