Vang vọng núi sông lời Tổ quốc

(PLO) - 71 năm trước, vào ngày này Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là Tuyên ngôn độc lập chính thức đầu tiên của đất nước chúng ta nhưng đặt trong rộng dài lịch sử dựng nước thì được coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ ba, sau Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt năm 981 và Bình Ngô đại cáo của Lê Lợi năm 1428 (Nguyễn Trãi chấp bút).
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Ý nghĩa mang giá trị công pháp quốc tế của Tuyên ngôn độc lập là tuyên bố trước quốc dân đồng bào, trước toàn thể thế giới : “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Nền móng vững vàng của một quốc gia đã được đặt và gần ba phần tư thế kỷ, dân tộc Việt Nam đấu tranh và xây dựng trên nền tảng vững chãi đó đúng như lời khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên ngôn độc lập cũng là bản án đanh thép đối với chủ nghĩa thực dân “bần cùng hóa” đồng bào ta, đồng thời cũng mở ra con đường sáng sủa tương lai của dân tộc, của mỗi con người sinh ra được hưởng “quyền sống, quyền sung sướng và tự do”. Tuyên ngôn độc lập khẳng định vì sao chế độ cũ phải bị lật đổ để xây dựng một thể chế mới hoàn toàn, trong đó độc lập, tự do được giữ vững và một cuộc “mưu cầu hạnh phúc” cho người dân thực sự bắt đầu. 

Từ bản Tuyên ngôn độc lập này dẫn đến sự ra đời tiếp nối không lâu sau đó là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946. Ý nghĩa nhân văn, giá trị pháp lý, tinh thần độc lập, tự do, bác ái, tiến bộ của Tuyên ngôn độc lập đã được chuyển hóa nhuần nhuyễn vào bản Hiến pháp này với những quyền cơ bản của công dân, thiết chế của một Nhà nước dân chủ nhân dân, vị thế của một đất nước độc lập, có chủ quyền,... vẫn còn mang giá trị lập pháp và tư tưởng thời đại đến tận bây giờ - 70 năm ngày bản Hiến pháp ra đời.

Lịch sử luôn luôn tiếp nối và lật sang trang mới nhưng cái ngày 2/9/1945 huy hoàng mãi mãi là mốc son đánh dấu sự chuyển tiếp của thời đại, sự xuất hiện với tư cách một quốc gia độc lập với tên gọi Việt Nam trên bản đồ thế giới. Ngoài quyền được hưởng tự do, độc lập, người Việt Nam có quyền tự hào về điều đó!

Rồi đây, cũng như Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo, bản Tuyên ngôn độc lập bước vào lịch sử dân tộc như một áng “thiên cổ hùng văn”, biểu trưng cho ý chí khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Tác giả của áng “thiên cổ hùng văn” đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên tuổi của người lãnh tụ giải phóng dân tộc ưu tú, kiệt xuất trong thế kỷ XX mãi mãi sáng ngời trong sử sách nước nhà.

Kỷ niệm 71 năm Ngày độc lập, trên dải đất chữ S thống nhất này lại vang vọng trầm hùng tiếng Người đọc Tuyên ngôn độc lập, lan tỏa khắp mọi miền đất nước, thấm vào lòng người, làm xúc động hàng triệu con tim dân Việt. Đó là lời của núi sông, Tổ quốc thấm vào hồn dân tộc, gìn giữ những giá trị chủ quyền thiêng liêng của ngàn đời cha ông dựng xây, bồi đắp!

Đọc thêm