Vẹn nguyên tinh thần "Hồi tỵ"

(PLVN) - Thời phong kiến, Luật Hồi tỵ được làm ra để ngừa tình trạng “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Tùy từng triều đại, luật này có những biến thể khác nhau, nhưng tinh thần xuyên suốt là loại bỏ nạn tham nhũng, kéo bè kết cánh bởi họ hàng, dòng tộc… Chủ trương “bố trí bí thư cấp ủy, cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương” mà Đảng ta đã, đang đẩy mạnh là sự kế thừa, phát triển tinh thần Luật Hồi tỵ.
Vẹn nguyên tinh thần "Hồi tỵ"

Kết quả bầu nhân sự cấp ủy khoá mới tại Đại hội đảng bộ các cấp vừa qua cho thấy nhiều chủ trương lớn của Đảng đã được đẩy mạnh và thực hiện quyết liệt hơn, đó là việc bố trí bí thư không phải người địa phương hay trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo... Đó là những tín hiệu vui, mang tới nhiều kỳ vọng cho sự phát triển của đất nước.

Để một người làm quan trăm họ được nhờ

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công tác nhân sự, lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta, nhiệm kỳ tới có 27 bí thư tại các Đảng bộ trực thuộc Trung ương không phải là người địa phương. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là con số cao nhất từ trước đến nay.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, các đảng bộ trực thuộc Trung ương có 27 bí thư không là người địa phương, tăng 68% so với nhiệm kỳ trước. 28 bí thư có độ tuổi dưới 50 tuổi.

Rõ ràng, việc bố trí bí thư cấp ủy không phải người địa phương thể hiện quyết tâm rất lớn của các cấp ủy từ Trung ương đến địa phương, bởi thực tế vấn đề này vẫn còn nhận thức khác nhau. Nhiều nơi vẫn giữ tư tưởng cục bộ, khép kín không muốn người nơi khác về làm lãnh đạo ở địa phương mình vì lý do đơn giản: cán bộ lớn lên, trưởng thành từ địa phương, hiểu rõ “chân tơ kẽ tóc” của địa phương còn khó, huống hồ một người “lạ nước lạ cái” về nhận nhiệm vụ?

Tuy nhiên, con số 464 bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương - chiếm 65% trong số bí thư cấp ủy cấp huyện - đã nói lên nhiều điều. Để có được con số đầy quyết tâm nói trên là nhờ công tác chuẩn bị bài bản, toàn diện từ nhiều năm trước đó. Theo đó, các cấp ủy đã có kế hoạch chu đáo từ khâu đánh giá, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển đến bố trí, sắp xếp cán bộ. Ngoài ra, đó còn là sự nỗ lực, là tinh thần “dĩ công vi thượng”, “chí công vô tư”, biết gạt bỏ lợi ích cá nhân vì lợi ích của Nhân dân.

Trước đây, không khó để kể ra chuyện “chồng quy hoạch vợ”, “bố bổ nhiệm con”; hoặc vì lợi ích nhóm, nhiều cán bộ cấp cao đã lách các quy định để bổ nhiệm người thân quen, “cánh hẩu”... khiến dư luận không khỏi hoài nghi, bức xúc. Cũng vì lối tư duy “cuốc giật vào lòng”, một số cán bộ lãnh đạo lợi dụng chức vụ quyền hạn để vun vén cho dòng họ, cục bộ địa phương mình. 

Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ thời phong kiến đã có Luật “Hồi tỵ” để ngăn ngừa hiện tượng “một người làm quan, cả họ được nhờ” trong một địa phương. Tùy từng triều đại, Luật “Hồi tỵ” có những biến thể khác nhau, nhưng tinh thần xuyên suốt của luật này là để ngăn ngừa nạn tham nhũng, kéo bè kết cánh bởi họ hàng, dòng tộc hay thân thuộc của quan chức địa phương. Như vậy, việc Đảng ta đẩy mạnh và thực hiện quyết liệt hơn chủ trương này cũng chính là kế thừa và phát triển tinh thần của Luật “Hồi tỵ”, để “một người làm quan trăm họ được nhờ”.

Khi không là người địa phương, không bị chi phối bởi các quan hệ gia đình, họ hàng, thân tộc và lợi ích..., bí thư cấp ủy sẽ nắm bắt, xứ lý công việc của địa phương, của người dân một cách công tâm, khách quan; đồng thời sẽ có những phản ánh trung thực với Trung ương, giúp Trung ương có những quyết sách sát, đúng với tình hình thực tế. 

Ở đó, dưới góc nhìn của những người lãnh đạo mới về cơ sở, các bí thư với tinh thần trách nhiệm, nhanh chóng nhập cuộc, gắn bó hết mình với sự nghiệp của địa phương, đã và sẽ tạo ra những “làn gió” mới cho sự bứt phá, phát triển. 

 

Phải thực sự là những “hạt giống”

Kết quả công tác nhân sự của Đại hội các cấp vừa diễn ra cũng đánh dấu sự chuyển giao trọng trách, nhiệm vụ chính trị từ những cán bộ sinh ra, lớn lên và được rèn luyện trong những năm tháng kháng chiến cho cho lớp cán bộ trưởng thành trong hòa bình. Chỉ riêng số bí thư tỉnh ủy, thành ủy vừa được bầu đã có 28 người có độ tuổi dưới 50. 

“Tre già măng mọc” là điều tất yếu khách quan. Mang trong mình sức trẻ và tinh thần cống hiến, dù không trải qua chiến tranh, nhưng những cán bộ này đã được đào tạo bài bản từ nhiều nguồn khác nhau được điều động về cơ sở, với rất nhiều kỳ vọng phía trước.

Ông Nguyễn Quang Dương - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tin tưởng rằng, sức trẻ luôn có sức bật, khi đã được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, có năng lực và được luân chuyển, điều động, trải qua thực tiễn ở các địa phương, ở các ngành, các đơn vị… chắc chắn với quá trình tích lũy kiến thức đó, sự đóng góp của họ sẽ tốt cho sự nghiệp của địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng và sự nghiệp lớn lao của Đảng ta.

Với chủ trương này, người dân cũng gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào lớp lãnh đạo trẻ thế hệ 7X, vì họ là những người hội đủ các điều kiện về năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị để gánh vác trọng trách trước nhân dân. Và nếu không ngừng phấn đấu và biết rèn luyện, tu dưỡng thì đó sẽ là nhưng “hạt giống đỏ”, là đội ngũ kế cận quan trọng của của Đảng, Nhà nước trong nay mai.

Nhưng, để lớp cán bộ trẻ phát huy tốt khả năng và ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực thì Đảng phải thương xuyên quan tâm, sâu sát trong công tác cán bộ. Thực tế cho thấy, chúng ta đã có những bài học đau lòng về sự suy thoái đạo đức, lối sống và tiêu cực của một bộ phận cán bộ cao cấp, trong đó có không ít cán bộ trẻ trong nhiệm kỳ qua.. 

Vì thế, để vượt qua được những khó khăn, thử thách trên cương vị mới, ở một miền đất mới, trước hết đòi hỏi mỗi cán bộ phải luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, đặt việc công lên trên hết. Càng cán bộ cấp cao thì càng phải gương mẫu. Để trọn vẹn điều này, cấp trên phải rất quyết liệt, cấp dưới phải nhận thức rõ vấn đề. Bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, người cán bộ, đảng viên không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Đảng và của Nhân dân. Suy cho cùng, vinh dự và vẻ vang của người cán bộ cũng từ Nhân dân và do Nhân dân mang lại.

Đọc thêm