Vì sao lĩnh vực giao thông tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao?

(PLVN) - Đó là vấn đề được nêu ra tại buổi Tọa đàm Khoa học “Đánh giá nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ ở Việt Nam”, diễn ra hôm qua (9/12), do Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ GTVT và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức.
Hội thảo do Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ GTVT và UNDP Việt Nam tổ chức.
Hội thảo do Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ GTVT và UNDP Việt Nam tổ chức.

“Đá” cả công ước quốc tế 

Theo ông Nguyễn Việt Hoàng, chuyên gia UNDP, giao thông vận tải (GTVT) là ngành thu hút cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao. Theo nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ thực hiện vào năm 2012, ngành GTVT đứng thứ 5 trong tổng số 22 ngành có hành vi tham nhũng diễn ra phổ biến nhất. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu, khảo sát liên quan đến tham nhũng nhưng chưa có bất kỳ đánh giá rủi ro tham nhũng nào trong lĩnh vực GTVT.

Giới thiệu về Nghiên cứu khảo sát đánh giá nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ ở Việt Nam, ông Hoàng cho biết, trên cơ sở nghiên cứu cơ chế quản lý lĩnh vực vận tải đường bộ cũng như các thông tin, tài liệu về tình hình tham nhũng trong lĩnh vực này, việc khảo sát đã phát hiện ra những yếu tố có thể mang đến nguy cơ tham nhũng có nguyên nhân từ đặc thù ngành nghề của hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ; từ sự phức tạp, không thống nhất, chồng chéo trong các quy định của pháp luật hiện hành; từ sự yếu kém trong quá trình thực thi pháp luật, thiếu hiệu quả của bộ máy quản lý và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. 

Ngoài ra, nguy cơ còn đến từ sự thiếu công khai, minh bạch thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải đường bộ. Đáng chú ý, ngoài những yếu tố trên còn có nguy cơ từ nhận thức và thái độ ứng xử của doanh nghiệp (DN) vận tải trong quan hệ với cơ quan công quyền.

Khẳng định Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) là văn bản mấu chốt nhất để thực thi các hoạt động vận tải đường bộ, nhưng ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho rằng Luật này còn khá nhiều bất cập. “Phần quy định về ý nghĩa màu đèn tín hiệu giao thông viết không rõ ràng… Công ước Viên cho phép ô tô được chạy qua đèn vàng, tại sao chúng ta lại quy định: đèn vàng phải dừng trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Điều này dẫn đến việc các đồng chí công an cứ thấy đèn vàng bật lên mà ô tô chạy qua vạch dừng là phạt 3-5 triệu đồng… Số người vi phạm quá nhiều, nhân lên mỗi năm phạt bao nhiêu?”, ông Tạo dẫn chứng. 

Trên cơ sở đó, ông Tạo kiến nghị: “Khi viết luật phải rõ ràng, làm sao cho người viết luật, người thực thi luật và người chấp hành luật phải hiểu một khái niệm giống nhau”.

Ông Tạo còn cho biết, Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) coi việc ô tô đi qua đèn xanh vào nút giao có ùn tắc giao thông cũng bị phạt. Điều này là vô lý và tạo điều kiện cho người thực thi pháp luật tham nhũng. Nguyên nhân gây ùn tắc trong nút giao có đèn tín hiệu giao thông là do người tổ chức giao thông chứ không phải người đi đường, tại sao phạt tài xế?

Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng nhận xét: hiện Luật GTĐB phân loại giấy phép lái xe theo trọng tải của ô tô; trong khi thế giới đều phân loại giấy phép lái xe theo trọng lượng toàn bộ của ô tô. “Ô tô chuyên dùng thì không có trọng tải, cho nên có thể quan niệm ô tô đó trọng tải bao nhiêu là do họ định ra. Khi đã không có chuẩn mực thì thích phạt thì phạt, điều đó là không nên”, ông Tạo nói.

Hình minh họa
Hình minh họa 

“Làm gì phải quy định lắm thứ thế?”

Liên quan đến việc quản lý vận tải đường bộ, ông Tạo cho rằng các cơ quan chức năng “đang loay hoay trong quản lý các xe công nghệ”, khi “yêu cầu xe này, xe kia phải dán thêm giấy này, giấy kia”. “Ngay chiếc ô tô tải, đến đứa trẻ cũng biết đó là ô tô tải mà chúng ta lại quy định trên ô tô phải dán chữ “Ô tô chở hàng”; nếu không dán thì sẽ bị phạt tiền”, ông Tạo nói. 

Ngoài khó hiểu, dài dòng, theo ông Tạo, các quy định về quản lý vận tải đường bộ còn nhiều thủ tục phức tạp, đọc rất khó hiểu. “Chúng ta làm gì phải quy định lắm thứ thế? Chỉ cần quy định làm thế nào để một cái ô tô vận tải tham gia kinh doanh đảm bảo tiêu chí đầu tiên là an toàn và bảo đảm môi trường; thứ hai là thu được thuế cho Nhà nước; thứ ba là nâng cao tiện nghi, tiện ích cho nhân dân… 

“Trong điều kiện kinh tế hiện nay, thời cơ của CMCN 4.0, người ta không nhận diện bằng trực quan nữa, nhưng người quản lý vận tải không đi vào hướng này mà cứ vòng vo, đi vào lối mòn từ những năm 1950 - 1960. Khi chúng ta xây tòa lâu đài trên ngôi nhà cấp 4 mà cứ sửa mãi thì nó vẫn chỉ là nhà cấp 4 mà thôi. Bởi vậy phải thay đổi tư duy, phải có đột phá. Chúng ta nên giảm những thủ tục mang tính chất hình thức và tập trung vào những nội dung có tính bản chất, khách quan để từ đó có thể giảm tham nhũng”, ông Tạo nói.

Đưa ra ví dụ cho việc tổ chức giao thông hiện nay, ông Tạo cho hay: lực lượng chức năng nhiều khi cứ mải mê đi phạt mà không xử lý được triệt để: “Xe khách chở 45 người mà mới nhận được 10 khách đã đuổi người ta ra khỏi bến thì làm sao họ chịu nổi, vì thế họ phải chạy vòng vo để đón khách. Đó là chúng ta tổ chức giao thông không tốt, quản lý giao thông của chúng ta đang quá bất cập”. 

Hiện các văn bản quản lý vận tải đường bộ thiên nhiều về hình thức và thủ tục hành chính, rất phức tạp nên nhiều DN dễ vi phạm và từ đó dễ dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Để vấn đề quản lý vận tải được chặt chẽ, minh bạch, nâng cao hiệu quả vận tải, tạo điều kiện cho DN phát triển, giảm chi phí vô ích… ông Tạo kiến nghị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, trong đó hoàn thiện công tác quản lý xe Grab. Đồng thời, hoàn thiện công tác quản lý bến xe để đảm bảo khách quan, minh bạch, tránh tham nhũng, đặc biệt dưới hình thức xin - cho.

Tán đồng với quan điểm trên, LS Nguyễn Xuân Toán (Cty Luật Lạc Việt) cũng kiến nghị pháp luật kinh doanh vận tải đường bộ cần hoàn thiện thêm, các quy định phải đơn nghĩa, không được hiểu theo đa nghĩa. Đối với những thông lệ quốc tế đã có từ lâu và áp dụng trơn tru thì nên được giữ nguyên. 

“Vấn đề quản lý bến xe, hiện nay chủ trương của các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… muốn cho ra ngoài nội đô, nảy sinh rất nhiều tiêu cực mà tiêu cực lớn nhất là bây giờ muốn trụ lại bến xe, các nhà xe phải mất vài trăm triệu đồng. Bạn tôi là DN vận tải nói cho tôi biết tất cả những tiêu cực này. Bây giờ muốn có một “lốt” đẹp của bến xe không phải là 100-200 triệu nữa mà là 500 triệu đồng. Đấy là tham nhũng chứ là cái gì. Bởi vậy, chúng ta phải đưa ra những quy định thế nào để DN vận tải có thể tiếp cận hành khách mà không mất tiền, giảm tham nhũng?”. 

Ông Khương Kim Tạo

Đọc thêm