Vì sao QH quyết định dừng lấy phiếu tín nhiệm?

(PLO) - Hôm qua (21/2), trước khi kết thúc Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Các Đại biểu Quốc hội thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn
Các Đại biểu Quốc hội thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn
Báo cáo về vấn đề nêu trên, Trưởng ban Công tác Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả; tuy nhiên, qua quá trình triển khai, thực hiện cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. 
Do đó, việc Quốc hội và HĐND dừng lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu và phê chuẩn tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7 đầu năm 2014 để chờ hướng dẫn thực hiện thống nhất trong thời gian tới đã được thể hiện tại Thông báo số 149 ngày 20/12/2013 của Bộ Chính trị.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm là bước tiến, đổi mới rất quan trọng, được cử tri đồng tình, đánh giá rất cao. Tuy nhiên, ông Phúc đặt vấn đề: “Nếu dừng lại sẽ thế nào đây? Do vậy tại kỳ họp tới đây cần có thông báo sớm cho các Đại biểu, cần có báo cáo tổng kết việc lấy phiếu nên tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp tới”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’Sor Phước đồng tình: “Đây là một kênh để Đảng đánh giá một bộ phận cán bộ rất quan trọng của mình”, tuy nhiên điều ông K’Sor Phước băn khoăn đó là về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm. “Ở địa phương có nhiều Thường vụ Tỉnh ủy là Trưởng ban của HĐND, nhưng đồng chí này chỉ làm kiêm nhiệm, trong khi Phó ban mới là chuyên trách nhưng Phó ban lại không nằm trong diện được lấy phiếu tín nhiệm. Tương tự, khối hành pháp cũng vậy, các Giám đốc Sở (chỉ một số ít) là thành viên UBND thì được lấy phiếu, còn phần lớn Giám đốc không là thành viên UBND thì nằm ngoài diện lấy phiếu. Như vậy là không phù hợp”. Từ phân tích này, ông K’ Sor Phước đề nghị mở rộng đối tượng lấy phiếu là các Giám đốc Sở, đồng thời nên bớt đối tượng ở khối dân cử và tập trung cho khối hành pháp. 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng không nên để đối tượng lấy phiếu của khối lập pháp và hành pháp chung, sẽ khó so sánh. Phó Chủ tịch cũng cho hay, Bộ Chính trị mới chỉ đạo dừng việc lấy phiếu tín nhiệm trong đầu năm 2014 và yêu cầu sửa Nghị quyết 35 chứ không phải là việc dừng hẳn. Do đó, cần có đánh giá, tổng kết về ưu điểm, hạn chế Nghị quyết 35… Còn sửa theo hướng nào thì báo cáo Quốc hội để thảo luận.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm thực hiện theo Nghị quyết 35 của Quốc hội đã được tiến hành và đạt kết quả tích cực, nhân dân đồng tình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu báo cáo Quốc hội để nghiên cứu chỉnh sửa Nghị quyết 35. Chủ tịch giao Ban Công tác Đại biểu chủ trì xây dựng dự án này. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý báo cáo Quốc hội xin không tiến hành lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp giữa năm nay.
Cũng trong phiên họp ngày hôm qua, Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần cân nhắc để quy định điều kiện làm căn cứ để Bộ trưởng quy định cụ thể trường hợp miễn kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không.  Bởi vì, việc bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các chuyến bay cần được thực hiện theo những nguyên tắc an ninh rất nghiêm ngặt, đối với mọi người, hành lý và hàng hóa trong chuyến bay, nguyên tắc này được thực hiện trên cơ sở mọi người đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Nếu từ quy định miễn trừ nêu trên xảy ra sai xót sẽ dẫn đến hậu quả bất lợi lớn cho tính mạng và tài sản của nhiều người khác. 

Đọc thêm