Vì sao thất bại?

(PLO) - Sau Hội nghị lần thứ 6 (Khóa 12) đến nay vấn đề “giảm biên chế” được bàn luận sôi nổi ngay tại Kỳ họp thứ 4 (Quốc hội khóa XIV) và cả trên các mặt báo. Ngay trước Hội nghị TƯ 6, Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 4/10/2017 đã có bài “Không còn đường lùi” nói về vấn đề này. Xin bàn thêm nhân “không khí” được thảo luận với tinh thần có vẻ “quyết liệt”.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

“Không khoan nhượng” là ý kiến của đại biểu Hoàng Minh Sơn đưa ra tại phiên thảo luận chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước diễn ra hôm 30/10. Không khoan nhượng vì với bộ máy hành chính cồng kềnh hiện nay thì “nồi cơm Thạch Sanh” cũng không nuôi nổi, theo cách ví von của đại biểu này.

Còn nhiều ý kiến không khoan nhượng khác, rất táo bạo và đột phá, như ý kiến của ông Phạm Văn Hoà - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: “Việt Nam có 63 tỉnh, thành như hiện nay là quá nhiều. Bộ, ngành quản lý rất vất vả. Cần nghiên cứu hợp nhất một số tỉnh cũng như một số bộ, ngành có điểm tương đồng về chức năng, nhiệm vụ”. 

Đã có nhiều tỉnh tách ra, nay chẳng lẽ nhập lại, đó là điều nhiều người sẽ phản đối, đặc biệt là những địa phương (có thể) được “hợp nhất”, bởi vì ai cũng muốn có chức, có quyền, nếu sáp nhập thì không chừng mất chức hoặc xuống chức. Nhưng hãy vì cái chung mà tỉnh táo nhận ra rằng, nếu như việc sáp nhập một số tỉnh có lợi cho nước, cho dân hơn thì làm. Có những việc phù hợp thời điểm này, nhưng cần thay đổi ở thời điểm khác, đó là đòi hỏi và là quy luật của phát triển, đại biểu này luận.

Than ôi, bài ca “tách – nhập” muôn thuở lại được nói đến. Câu chuyện tách tỉnh, tách huyện, tách xã ở Việt Nam đã được thực hiện theo đúng tư duy nhà mặt phố, sợ thu hồi đất mở đường nên các cặp vợ chồng cùng sống trong căn hộ thi đua “tách khẩu”. Ngộ nhỡ thu hồi còn hưởng đền bù.

Chúng ta đã từng dễ dãi khi cho các bộ nhao nhao thành lập các tổng cục, tổng cục là nơi lãnh đạo các cục “ghé vào” được hưởng cấp hàm, phụ cấp lãnh đạo, “phong trào” nâng vụ lên cục, “phong trào” hàm vụ trưởng, hàm vụ phó... Y chang “xôi chùa” đã cho phải “cho đều”, đến mức ngân sách đã không còn chịu đựng nổi.

Giảm là đúng nhưng xem ra cái gốc của vấn đề chưa được chỉ ra. Nếu tính từ năm 1972 chúng ta đã qua 45 năm “tinh giản”, “giảm biên chế”. Vì chưa chỉ ra được gốc của vấn đề nên thất bại. Tháng 8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tuyên ngôn: xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để làm được việc này phải “thiết kế” lại bộ máy hành chính, xác định được như thế nào là “kiến tạo”. Chừng nào Nhà nước còn làm thay thị trường, bộ máy hành chính còn can thiệp thô bạo vào các quan hệ kinh tế, dân sự thì đừng nói đến “giảm biên chế”.

“Văn hóa mâm, bát” luôn ngự trị trong mọi toan tính. Ví dụ, vấn đề chuyển chức năng hiện nay đang được Tổng cục VIII Bộ Công an đảm trách về Tổng cục Thi hành án của Bộ Tư pháp đã bàn rất nhiều nhưng không thể thực hiện được. Tức là nếu “thiết kế” bộ máy hành chính không vì mục đích “kiến tạo” mà chỉ vì lợi ích ngành, bộ phận thì muôn đời thất bại! 

Đọc thêm