Vị tướng của tình yêu chiến sĩ

(PLO) - “Trong cuộc đời quân ngũ của mình, đặc biệt là những ngày tháng gắn bó với con tàu 957 Hải quân, kỉ niệm sâu sắc nhất trong đời tôi là đưa đồng chí Lê Khả Phiêu cùng đoàn cán bộ cấp cao của Quân đội ra thăm bộ đội Trường Sa. Đã 23 năm rồi mà kí ức về một vị tướng giản dị hết lòng vì bộ đội vẫn đọng mãi trong tôi. Tôi học ở ông nhiều điều bổ ích. Tôi lấy lời huấn thị của ông để giáo dục cho bộ đội về đức hi sinh quên mình vì Tổ quốc” - Đại tá Trần Mạnh Hổ kể.
Đồng chí Lê Khả Phiêu chụp ảnh cùng Đại uý Trần Mạnh Hổ trên tàu HQ-957 tại Trường Sa tháng 5/1995. (Ảnh chụp lại)
Đồng chí Lê Khả Phiêu chụp ảnh cùng Đại uý Trần Mạnh Hổ trên tàu HQ-957 tại Trường Sa tháng 5/1995. (Ảnh chụp lại)
Ra đảo, bằng mọi giá phải thăm bộ đội
Tháng 5 năm 1992, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-957 Hải quân nhận mệnh lệnh chở đoàn cán bộ cấp cao của Quân đội ra thăm bộ đội Trường Sa. Trong đoàn công tác ấy có đồng chí Lê Khả Phiêu (lúc đó đồng chí Lê Khả Phiêu giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị). Trước ngày đi, cán bộ chiến sĩ nêu cao tinh thần quyết tâm “Dù khó khăn sóng to, gió lớn đến đâu cũng hoàn thành nhiệm vụ đưa đoàn công tác ra Trường Sa an toàn”.
Hơn hai ngày làm công tác chuẩn bị chu đáo mọi mặt, chiều cuối tuần tháng 5/1992, tàu HQ-957 nhổ neo rời bến hướng Trường Sa thẳng tiến. Lúc đó  nhiệm vụ của Tàu HQ-957 chở đoàn cán bộ ra Trường Sa  được coi là nhiệm vụ đặc biệt. Sau khi báo cáo với đồng chí Lê Khả Phiêu về tình hình hoạt động và nhiệm vụ của tàu trong chuyến đi Trường Sa lần này, dự kiến tình huống có thể xảy ra như sóng to, gió lớn. Đại úy Trần Mạnh Hổ, thuyền trưởng đã dẫn đồng chí Lê Khả Phiêu về phòng của mình và thưa:
- Báo cáo thủ trưởng, Tàu đã bố trí cho thủ trưởng nghỉ ngơi ở đây ạ.
Đồng chí Lê Khả Phiêu quan sát một vòng rồi đề nghị bố trí phòng nghỉ khác. Thuyền trưởng Hổ định hỏi lại thì ông nói:
- Tớ biết trên con tàu này cậu là người chỉ huy cao nhất. Chúng mình là khách, nghỉ ở đâu cũng được, phải ưu tiên cho cậu làm việc.
- Báo cáo thủ trưởng, từ trước tới nay, các thủ trưởng đi tàu đều bố trí phòng nghỉ này ạ.
Đại uý Hổ còn đưa ra hai lý do đề nghị thủ trưởng nghỉ phòng này, đó là nét văn hoá kính trên nhường dưới, mà thủ trưởng lại là người cao tuổi nhất, chỉ huy đoàn công tác, mặt khác phòng thuyền trưởng cũng đầy đủ tiện nghi hơn để chỉ huy tàu hoàn thành nhiệm vụ, song ông phân vân và bảo: “Cậu dẫn mình đi xem phòng nghỉ của chiến sĩ và đoàn công tác”. Sau khi được thuyền trưởng dẫn đi xem phòng nghỉ dự bị của tàu cũng đầy đủ tiện nghi, ông cười bắt tay thuyền trưởng Hổ: “Cảm ơn đồng chí”.
Tàu HQ-957 hành trình đến cách đảo Đá Lát khoảng 20 hải lý thì gặp sóng lừng dữ dội. Nhiều khách trên tàu nôn thốc nôn tháo. Phương án đưa đoàn công tác lên đảo được nhanh chóng vạch ra. Đưa người từ tàu xuống xuồng máy, khi xuồng đến bãi cạn san hô sẽ chuyển người xuống xuồng cao su. Các chiến sĩ trẻ đẩy xuồng cao su vào mép đảo. 
Nghe thuyền trưởng báo cáo phương án lên đảo, ông nói: “Các cậu cứ tính phương án nào cho thật an toàn, người ướt không quan trọng. Các cậu bơi được thì mình cũng bơi được, và trong đoàn cũng thế. Ra đảo mà không lên thăm bộ đội thì cũng như không”.
Mỗi chuyến xuồng nhỏ chở vào đảo được 10 người. Đồng chí Lê Khả Phiêu đi chuyến thứ 2 cùng các diễn viên văn công đoàn Tổng cục Chính trị. Khi xuồng vào mép đảo, thấy sự vất vả của bộ đội, ông đã nhảy ùm xuống nước đẩy xuồng cao su với bộ đội và nói vui: “Cho mình cùng tắm biển để tận hưởng nước mặn của Trường Sa”. Tất cả cán bộ chiến sĩ Hải quân trên cầu cảng ra đón đoàn hôm đó  nhìn ông và vỗ tay thán phục.
Đồng chí Lê Khả Phiêu bắt tay thân mật cán bộ lãnh đạo Vùng 2 Hải quân trong chuyến thăm Bộ Tư lệnh Vùng. Ảnh: MT
Đồng chí Lê Khả Phiêu bắt tay thân mật cán bộ lãnh đạo Vùng 2 Hải quân trong chuyến thăm Bộ Tư lệnh Vùng. Ảnh: MT 
Yêu thương chiến sĩ như ruột thịt
Lên đảo, ông không thay quần áo ướt mà đề nghị đến ngay nhà ở của các chiến sĩ. Ông muốn đến tận nơi xem đời sống của cán bộ chiến sĩ Trường Sa nơi tuyến đầu Tổ quốc bằng sự cảm nhận thực tế từ trái tim ông, và bằng tình thương yêu chiến sĩ Trường Sa với tư cách là người đồng đội chứ không phải nghe báo cáo. 
Ông muốn nhìn thấy những chiến sĩ Trường Sa nước da sạm đen trong nắng gió vững vàng tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc chứ không phải nghe qua lời kể. 
Ông nói với chiến sĩ trẻ ở đảo Đá Lát: “Đảo Trường Sa là linh hồn Tổ quốc. Những người lính Trường Sa phải có trách nhiệm giữ gìn, đó là nhiệm vụ thiêng liêng nhất được Tổ quốc giao phó và nhân dân tin tưởng các đồng chí. Dù có khó khăn gian khổ, dù phải hi sinh tính mạng cũng giữ gìn bằng được hòn đảo của Tổ quốc mình. Đó là sứ mệnh người lính thời bình, các đồng chí phải khắc sâu trong tim”.
Ông đi thăm các chiến sĩ đang huấn luyện dưới chiến hào, thăm phân đội canh gác, ở đâu ông cũng thân thiết ân cần với chiến sĩ như người ruột thịt. Giữa trời nước mênh mông, ông nói với cán bộ chiến sĩ cùng đoàn công tác trên boong tàu HQ-957: “Nước biển Trường Sa là mồ hôi của nhân dân, đảo Trường Sa thấm đẫm bao máu xương đồng đội, giữ đảo Trường Sa yên bình là ý chí quật cường và tinh thần yêu Tổ quốc của quân dân Trường Sa hôm nay và mai sau”. 
Hôm ấy, cán bộ chiến sĩ Trường Sa, những người được tiếp xúc với ông chỉ thấy sự thân thiện nhân ái, gần gũi, không hề có khoảng cách giữa vị tướng với chiến sĩ, giữa lãnh đạo với dân thường.
Tàu HQ-957 đưa đồng chí Lê Khả Phiêu và đoàn công tác trở lại đất liền an toàn. Chuyến đi ấy gặp sóng to, gió lớn vất vả, song là niềm vinh dự tự hào của cán bộ chiến sĩ tàu HQ-957, để lại trong lòng những thế hệ lính hải quân ấn tượng sâu sắc không chỉ về một vị tướng lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược toàn diện mà còn khâm phục vị tướng giản dị, gần gũi, có tình thương yêu chiến sĩ như ruột thịt của mình.
Đồng chí Lê Khả Phiêu và cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đồng chí Lê Khả Phiêu và cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
Đồng hành cùng bộ đội nơi khó khăn gian khổ
Không chỉ khi còn đương chức mà ngay cả khi trở về với cuộc sống đời thường, đồng chí Lê Khả Phiêu vẫn luôn có tác phong gần gũi, thương bộ đội. 
Ngày 13/11/2011, ông đến Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thăm cán bộ chiến sĩ. Tại đây ông đã thăm nơi ăn nghỉ, làm việc của cán bộ chiến sĩ khối cơ quan Bộ Tư lệnh Vùng và Căn cứ 696. Ông nói chuyện với cán bộ chiến sĩ một cách thân mật, xưng hô “các cậu” với “mình”. 
Nói về đời sống của cán bộ chiến sĩ hiện đang công tác ngoài các nhà giàn DK1 và đảo xa, ông động viên, căn dặn: Bộ đội càng ở nơi khó khăn gian khổ, càng cần phải quan tâm và động viên họ để họ thấy được nhiệm vụ và mục tiêu cao cả mà họ đang làm. Là người chỉ huy, phải luôn đồng hành cùng chiến sĩ. 
Kết thúc lần thăm ấy, ông đã chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng và trồng cây lưu niệm. 
Những người được vinh dự chụp ảnh cùng đồng chỉ Lê Khả Phiêu hôm ấy coi đó vừa là niềm vui, vừa là dịp để học tập tác phong thân mật gần gũi yêu thương của vị lãnh đạo cấp cao đứng đầu của Đảng. Lời huấn thị “Cán bộ đồng hành cùng chiến sĩ” của đồng chí Lê Khả Phiêu đã được cán bộ, sĩ quan Vùng 2 Hải quân lĩnh hội học tập, và nó đã trở thành “cẩm nang” trong công tác lãnh đạo, chỉ huy của sĩ quan trong toàn Vùng.

Đọc thêm