Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia nói về vụ bệnh nhân bị vứt xác

(PLO) - Nhiều ngày trôi cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền.  TS. Vũ Dương, Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia, một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giám định pháp y cho rằng, với điều kiện nhiệt độ nước trên sông như hiện tại, có tính tới yếu tố tốc độ dòng chảy, thì lẽ ra tử thi của nạn nhân phải nổi trong vòng xấp xỉ 24 giờ.
Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia nói về vụ bệnh nhân bị vứt xác

Cơ quan chức năng nên thực nghiệm hiện trường

- Thưa ông, với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực giám định pháp y, ông còn nhớ có những trường hợp nào khó tìm kiếm như vụ việc này?   
Việc tử thi nổi lên là do quá trình bị sình thối. Quá trình này giống như cái phao được bơm không khí, phải nổi lên khỏi nước. Vì thế, những thủ phạm nguy hiểm, có hiểu biết về y học, thì khi muốn giấu xác phi tang, thủ phạm sẽ mổ tử thi, cắt hết những bộ phận giống như cái phao như ruột, phổi. Như thế tử thi sẽ nổi lên chậm hơn. Tôi nhấn mạnh là chậm chứ không phải là không nổi.
Một trường hợp khác, nếu trong quá trình xác trôi mà bị vướng vào cái gì đấy, cũng không nổi được. Trong quá trình làm việc, tôi từng chứng kiến trường hợp xác bị vướng vào các vật cản khác và không nổi được. Đó là trường hợp có một tàu đánh cá, nó có một cái “be chống” tròng trành, có hình dạng như cái mái nhà, gắn ở dưới đáy thuyền và nằm sâu dưới nước.
Xác một nạn nhân trong vụ án tôi theo dõi, khi nổi vướng vào cái “mái nhà” đó, bị ôm ở trong đó. Khi chúng tôi rà soát để tìm nạn nhân, tất cả các tàu đều dời đi, vẫn không thấy xác nổi.
Riêng một cái tàu đó bị hỏng máy, không rời đi được. 7 ngày sau tàu mới sửa được máy, khi tàu rời ra, thì chân vịt tàu vừa quay, xác đã đẩy ra đằng trước tàu.
TS. Vũ Dương, Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia
 TS. Vũ Dương, Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia
- Trong trường hợp vụ việc xảy ra ở thẩm mỹ viện Cát Tường, nếu rất lâu sau mới tìm được tử thi thì cơ quan pháp y có xác định được là nạn nhân chết trước hay sau khi bị vứt xuống sông không?
Nếu còn các mẫu mô của phổi chưa bị phân hủy hết thì vẫn phát hiện được. Nếu chết theo cơ chế phản xạ, tức là hít nước vào vòm họng thì tự động tim ngừng đập, phổi ngưng hoạt động, như vậy chứng tỏ là khi xuống nước vẫn còn sống thì mới có phản xạ. Trong trường hợp này, bị can chắc chắn sẽ mắc một tội nghiêm trọng là tội “giết người”.
Nhưng đặt ra tình huống, nếu tử thi được bao bọc bởi nilon, vứt xuống nước thì rất khó truy nguyên. Không thể xác định là người đó tử vong do thiếu oxy vì có lớp nilon bao bọc, hay vì bị vứt xuống nước, hay bị tử vong trước khi có hai tác động này.
- Theo ông, có thể đặt ra tình huống bác sĩ Tường đã không ném xác bệnh nhân xuống sông như lời khai?
Tôi theo dõi trên truyền hình và báo chí thì thấy gia đình và các cơ quan chức năng đã tìm đủ mọi phương pháp rồi mà vẫn chưa tìm thấy xác nạn nhân. Nếu đã thử hết các cách tìm kiếm rồi thì nên khai thác thêm những mâu thuẫn trong lời khai của thủ phạm. Phải lật lại vấn đề là liệu lời khai đó có đủ tin cậy không?.
Đứng về mặt tâm lý mà nói thì ở đây có nhiều cây cầu, nhiều nơi để phi tang xác nạn nhân. Tôi chưa đi thực nghiệm xem ở cầu Vĩnh Tuy vào thời điểm thủ phạm nói đã vứt xác thì người lưu thông nhiều hay ít. Vì tử thi không phải là một vật bé nhỏ, đi quăng xuống sông với một cái xe ô tô đậu đó thì chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý. Khi đã bị chú ý thì người ta sẽ báo cơ quan công an.
Riêng về mặt tâm lý tội phạm, tôi cho rằng từ khi việc tai biến xảy ra, thủ phạm thu dọn hiện trường, đem xe của nạn nhân đi vứt, rồi tìm nơi vứt xác nạn nhân, thì đó là một quá trình suy tính kỹ càng chứ không hề có sự  hoảng loạn.
Tôi nghĩ cơ quan công an nên thực nghiệm lại hiện trường, có dựng lại hiện trường thật chu đáo thì mới xác định được lời khai có vấn đề gì không
Một miếng gạc khô có bệnh phẩm cũng có giá trị phá án
- Quá trình tìm kiếm, trục vớt tử thi đã diễn ra khá lâu, áp dụng nhiều biện pháp nhưng vẫn không có kết quả. Ông có lời khuyên nào cho công tác này?
Trước đây tôi đã trực tiếp chỉ huy thực nghiệm hiện trường nhiều vụ án. Nhiều đối tượng rất ma mãnh, cơ quan điều tra biết đến đâu, hỏi, thì họ sẽ trả lời tới đó. Trong quá trình thủ phạm gây ra các án mạng thì đa phần họ sẽ có rất nhiều cách khai báo để che giấu tội phạm. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh về việc xem xét các mâu thuẫn trong lời khai.
Ngoài ra, tôi cho rằng việc tìm kiếm các dấu vết còn lại ở phòng khám nơi tiến hành phẫu thuật cũng cần phải chú trọng.
- Nếu trong trường hợp xấu nhất là không tìm được xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền thì liệu việc định tội danh có thể bế tắc?
Đứng từ khía cạnh pháp y, thì tôi khẳng định rằng ngoài tử thi của nạn nhân, các dấu vết thu thập được tại hiện trường nơi phẫu thuật cho nạn nhân cũng hết sức quan trọng. Có thể chỉ là một cái ống đặt nội khí quản, một miếng gạc khô có dính máu, nước bọt, tế bào… của nạn nhân, cũng nói lên nhiều điều. Tôi cho rằng cơ quan điều tra sẽ không bỏ lọt các dấu vết này.
Trước hết, kết quả khám nghiệm sẽ khẳng định nạn nhân Huyền có thực sự có mặt ở phòng khám Cát Tường và được phẫu thuật hay không.
- Thứ hai, cũng phải đặt ra vấn đề: Liệu nạn nhân có thực sự bị tử vong do tai biến trong phẫu thuật như lời khai hay không, hay thủ phạm còn gây ra một tội ác khác, ví dụ như cướp của, sau đó thủ tiêu nạn nhân che giấu tội phạm?
Những chứng cứ tại phòng khám sẽ nói lên điều này. Rõ ràng, gây chết người do tai biến trong phẫu thuật sẽ nhẹ tội hơn là cướp của sau đó thủ tiêu nạn nhân.
- Có một “thời hạn chót” nào cho việc truy nguyên dấu vết tội ác trong vụ việc này không?
Việc tìm thấy các chứng cứ càng muộn thì quá trình truy nguyên dấu vết tội phạm càng khó khăn. Vì thế cơ quan pháp y cũng như cơ quan điều tra sẽ phải luôn luôn nỗ lực cao nhất, tinh thần “trực chiến” 24/24h để chiếm lĩnh hiện trường, chiếm lĩnh tang chứng, vật chứng để có thể tìm ra câu trả lời nhanh nhất.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đọc thêm