Việt Nam - Brunei thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện

(PLVN) - Sáng 27/3, Lễ đón chính thức Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành cho Nguyên thủ quốc gia. Ngay sau Lễ đón, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah. 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tại hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng Quốc vương Brunei thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần thứ 2 trong vòng 21 năm; nhấn mạnh chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu việc đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Brunei lên một tầm cao mới - quan hệ Đối tác Toàn diện.

Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh việc hai bên thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện là kết quả của những tiến triển tích cực và vững chắc trong quan hệ hai nước thời gian qua, góp phần tạo động lực mới thúc đẩy hợp tác song phương tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả và thực chất, đặc biệt trên các lĩnh vực chính trị - đối ngoại, quốc phòng - an ninh, thương mại - đầu tư, giáo dục - xã hội, giao lưu nhân dân, cũng như hợp tác trong ASEAN và các khuôn khổ đa phương khác.

Khẳng định quan hệ kinh tế giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để tăng cường hợp tác; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại 2 nước sớm đạt 500 triệu USD thông qua các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh trao đổi thông tin về chính sách, thị trường.

Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh là điểm sáng trong quan hệ hai nước thời gian qua; đánh giá cao việc triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ về Hợp tác quốc phòng năm 2005 và Bản ghi nhớ về Hợp tác hải quân năm 2013; nhất trí tăng cường hợp tác cụ thể giữa các lực lượng quốc phòng, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc phòng đa phương, nhất là trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN+. 

Hai bên khẳng định tầm quan trọng của hợp tác an ninh trong bối cảnh an ninh khu vực còn nhiều thách thức; nhất trí chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức, buôn bán người, khủng bố, tội phạm công nghệ cao, đồng thời nhất trí khởi động trao đổi về việc ký kết các Hiệp định về dẫn độ, tương trợ tư pháp và chuyển giao người bị kết án.

Cho rằng hợp tác biển là lĩnh vực quan trọng cần quan tâm đẩy mạnh trong thời gian tới, hai bên hoan nghênh Thỏa thuận cấp Chính phủ về thiết lập Đường dây nóng hỗ trợ hoạt động nghề cá trên biển, nhất trí triển khai hiệu quả thỏa thuận và mở rộng hơn nữa hợp tác nuôi trồng và chế biến thủy - hải sản, chia sẻ thông tin thực thi pháp luật trên biển, đối phó với các thách thức an ninh trên biển nhằm bảo đảm an toàn và tự do hàng hải.

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ khi Việt Nam và Brunei lần lượt đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và 2021, cùng đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; thúc đẩy hợp tác kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, làm sâu sắc quan hệ đối ngoại và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực trên các nguyên tắc mở, minh bạch và bao trùm.

Hai bên cũng cam kết tiếp tục hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương khác, nhất là Liên Hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM; thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực thông qua các thỏa thuận kinh tế đa phương tại khu vực mà hai nước là thành viên như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hai bên nhắc lại lập trường nhất quán trong vấn đề Biển Đông, khẳng định kiên trì nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường lòng tin và tầm quan trọng của việc không quân sự hóa, tự kiềm chế hoạt động có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Hai bên tái khẳng định ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán nhằm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, theo một lộ trình được các bên nhất trí.

Đọc thêm