Việt Nam cam kết triển khai các mục tiêu phát triển bền vững

(PLVN) - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh hợp tác đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, nêu bật cam kết mạnh mẽ của Việt Nam triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó phấn đấu đạt mục tiêu chấm dứt sử dụng đồ nhựa dùng một lần vào năm 2025. 
Các đại biểu dự Hội nghị.
Các đại biểu dự Hội nghị.

Sáng 16/12, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 14 của Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) đã chính thức khai mạc tại Cung điện Hoàng gia El Prado, thủ đô Madrid, Tây Ban Nha. 

Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng Ngoại giao và Trưởng đoàn của 53 thành viên ASEM, gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) cùng Ban Thư ký ASEAN. Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại diện Cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và An ninh Josep Borrell đã nêu bật vị thế của ASEM là cơ chế hợp tác quan trọng hàng đầu giữa hai châu lục, đi đầu thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đóng góp vào xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển. 

Với chủ đề “Châu Á và Châu Âu: Cùng hợp tác vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả”, Hội nghị lần này sẽ đề ra những biện pháp cụ thể để tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác Á – Âu trên cả 3 trụ cột là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác. 

Sau Lễ khai mạc, dưới sự chủ trì của Đại diện Cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và An ninh Josep Borrell, các Bộ trưởng đã tiến hành phiên họp toàn thể  đầu tiên về “Tăng cường sức sống cho hệ thống đa phương – thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM về các vấn đề toàn cầu”. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là một trong những Bộ trưởng đầu tiên, đại diện của ASEAN phát biểu tại Hội nghị. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ chế hợp tác đa phương với trung tâm là Liên hợp quốc đã khẳng định vai trò không thể thiếu trong 75 năm qua. Cho rằng thế giới bước vào một thời đại mới của phát triển nhưng Phó Thủ tướng cũng nhận định chủ nghĩa đa phương đang đứng trước những thách thức chưa từng có, nhất là cạnh tranh và đối đầu gay gắt, tranh chấp thương mại gia tăng, tâm lý chống toàn cầu hóa và khác biệt về hệ thống thương mại đa phương, tác động sâu rộng của rủi ro công nghệ số, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng, sự chững lại của tăng trưởng kinh tế và thương mại, các thói quen không bền vững về môi trường…

Để ASEM tiếp tục đóng vai trò đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và nâng cao vai trò chiến lược của Diễn đàn trong các thập kỷ tới, Phó Thủ tướng nêu 3 đề xuất quan trọng.

Thứ nhất, cần khẳng định vai trò nền tảng của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc đối với quan hệ quốc tế và hợp tác đa phương; cần tuân thủ và tôn trọng luật pháp quốc tế, cơ sở cho quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia. 

Thứ hai, cần một chương trình nghị sự mới và có tính thời đại cũng như cách tiếp cận tổng thể đối với hợp tác đa phương ở mọi tầng nấc, khu vực, liên khu vực và toàn cầu, trong đó đặt người dân vào trung tâm, chú trọng các vấn đề hòa bình, an ninh truyền thống và phi truyền thống trong kỷ nguyên số; kinh tế số, kết nối, phát triển bền vững và bền vững về môi trường; tự do hóa thương mại và đầu tư và các vấn đề thương mại thế hệ mới; thúc đẩy sự tham gia và đóng góp rộng rãi của tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước vừa và nhỏ, các tổ chức khu vực và các bên liên quan, trong đó có thanh niên; tiếp tục ưu tiên triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Chương trình hành động Addis Ababa về tài chính cho phát triển và Thoả thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Thứ ba, thúc đẩy cải cách các thể chế đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc và WTO, nhằm thích ứng với thay đổi thời đại và giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách của người dân; thúc đẩy các cách tiếp cận, các chuẩn mực và khuôn khổ mới nhằm quản trị hiệu quả các vấn đề quan tâm chung thông qua các tiến trình đa phương và sự tham gia, đóng góp của tất cả các quốc gia trên cơ sở bình đẳng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh hợp tác đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, nêu bật cam kết mạnh mẽ của Việt Nam triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó phấn đấu đạt mục tiêu chấm dứt sử dụng đồ nhựa dùng một lần vào năm 2025. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đề xuất Việt Nam tổ chức “Đối thoại cao cấp ASEM về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong kỷ nguyên số” trong năm 2020. Nhiều thành viên ASEM, trong đó có Australia, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Indonesia, Italia, Nhật Bản và Na Uy đã ủng hộ và tham gia đồng sáng kiến. Với vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ và Chủ tịch ASEAN năm 2020. 

Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên ASEM tăng cường sức sống cho hệ thống đa phương và thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM trong các vấn đề toàn cầu vì hòa bình và phát triển bền vững ở hai khu vực và trên thế giới.  

Đọc thêm